Chăm sóc sức khỏe khi trẻ đi học trở lại

21/02/2022 09:45

Kinhte&Xahoi Sau một thời gian đến trường học trực tiếp, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 trên địa bàn cả nước gia tăng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thực tế, khi nhịp sống đang dần trở lại bình thường, trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác, như lây nhiễm từ bố mẹ, từ người thân trong gia đình… Do đó, thay vì tâm lý hoang mang, không muốn con đến trường, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con những kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Xuân Lộc

Lây nhiễm trong trường học không phải là yếu tố duy nhất

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ 0-2 tuổi. Đặc biệt, số lượng trẻ mắc Covid-19 đang gia tăng trong thời gian gần đây. Trước thực tế đó, nhiều phụ huynh từ chỗ mong cho con được đến trường đã có tâm lý lo âu, muốn con được quay lại học trực tuyến.

Chia sẻ về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lây nhiễm Covid-19 trong trường học không phải là yếu tố, nguy cơ duy nhất, cao nhất đối với trẻ. Bởi, hiện phụ huynh đã đi làm, nhịp sống đang dần trở lại bình thường, nên trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác nhau, có thể lây nhiễm từ bố mẹ, người thân trong gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần cân đối rủi ro giữa việc mắc Covid-19 và không cho trẻ tới trường.

“Thời gian qua, trẻ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy khi không được tới trường, như: Trầm cảm, nghiện game, gia tăng các bệnh không lây nhiễm… Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã cao. Những đối tượng nguy cơ cao như: Người già, người mắc bệnh nền đã được bao phủ mũi 3. Chính vì vậy, so sánh cho thấy, có nhiều yếu tố rủi ro hơn, nếu cứ tiếp tục giữ trẻ ở nhà, bao bọc mãi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu phân tích.

Còn bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, thời điểm sau Tết, vào những giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Do vậy, với thời tiết như hiện nay, ngoài Covid-19, trẻ vẫn có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp khác. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Hướng dẫn học sinh sát khuẩn tay phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Tiểu học Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Minh Đức

Cần chăm sóc trẻ đúng cách

Để tăng cường sức đề kháng và các biện pháp phòng bệnh khi trẻ đến trường, theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên và đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... Bên cạnh đó, trẻ cần phải được tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế, được bổ sung dinh dưỡng đúng cách, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao, tránh thừa cân, béo phì và kiểm soát tốt các bệnh mãn tính.

So với người lớn, trẻ mắc Covid-19 nhẹ hơn, nhưng vẫn không nên chủ quan. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; ung thư, bệnh huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh chăm sóc các con, tùy theo từng nhóm tuổi mà có các biện pháp phù hợp. Có nhiều phụ huynh lo lắng quá, khi thấy con mới có biểu hiện ho, sốt đã vội vàng đưa đi khám ở nhiều nơi. Đây là việc làm không cần thiết. Khi con mắc Covid-19 cần báo với y tế cơ sở gần nhất để được theo dõi và quản lý; đồng thời, bảo đảm cách ly với mọi người, tránh lây lan dịch. Khi trẻ có dấu hiệu nặng, như: Mệt lả, thở nhanh, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt mới phải cho con đi khám.

Bác sĩ Đào Trường Giang, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) lưu ý, nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu ô xy, đo SpO2 >= 96%, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường và không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh, thì có thể chăm sóc tại nhà. Các bậc phụ huynh không nên tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt vi rút... cho trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và không chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Cần nhớ rằng, có rất nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Quan trọng nhất là chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời.

 Thu Trang - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hội nghị Thượng đỉnh EU - AU lần thứ 6: Làm mới quan hệ đối tác

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 6 đã được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tuần trước. Sự kiện quan trọng này là cơ hội cho việc tăng cường hợp tác giữa EU và AU, với việc xác định tầm nhìn chung cho những thách thức mà cả hai châu lục đang phải đối mặt, đồng thời làm mới mối quan hệ giữa hai đối tác trong nỗ lực vượt qua những thách thức toàn cầu vì hòa bình và thịnh vượng.

Australia hoàn thành cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 với Việt Nam

Thông tin từ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 19-2 cho hay, Australia đã chuyển giao 3,6 triệu liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho Việt Nam trong những tuần gần đây, thông qua một thỏa thuận mua sắm với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1025213/cham-soc-suc-khoe-khi-tre-di-hoc-tro-lai