Chủ động thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 trong tình hình mới

21/10/2021 19:53

Kinhte&Xahoi Sáng 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ sáng 21-10.

Các đại biểu cũng thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Huy động sức dân cùng tham gia chống dịch

Thảo luận ở tổ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng rất cao nên công tác phòng, chống dịch của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ tư với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Hà Nội vẫn kiên định chủ trương không để các F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà, bởi hệ thống y tế của Thủ đô vẫn đáp ứng được.

 Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu.

“Với đặc thù là địa phương có nhiều nguy cơ, đa nguồn lây nên công tác phòng, chống dịch của Hà Nội cũng được triển khai một cách bài bản, khoa học nhưng hết sức linh hoạt với tình hình thực tiễn. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, an ninh - an toàn cho Thủ đô. Vì thế, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động rà soát và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch cao hơn thực tế để không bị động. Nhờ đó, tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được kiểm soát”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành công lớn của thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua chính là việc huy động sức dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia trực chốt, duy trì tổ Covid-19 cộng đồng để bảo vệ các “vùng xanh” an toàn. Cùng với đó, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vắc xin quy mô lớn và xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Thời gian tới khi Hà Nội mở cửa trở lại các trường đại học thì lượng sinh viên ngoại tỉnh, người lao động về thành phố cao. Đây là nguy cơ bùng phát dịch lớn, vì thế thành phố tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, giải pháp tốt nhất phải là từ cơ sở, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm trả mũi 2 vắc xin cho người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền song song với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch để tạo sức răn đe”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Hà Nội thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, chống dịch không được phép chạy theo tình huống mà cần có chiến lược bài bản với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch của thành phố thời gian qua, đại biểu kiến nghị việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ cần tính đến các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó cần sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi. Cùng với đó là các giải pháp thích ứng của nền kinh tế khi nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch.

Bày tỏ sự nhất trí với các báo cáo đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) nêu bật những đóng góp của lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch của Thủ đô cùng những đóng góp của người dân để vượt qua đại dịch. Theo đại biểu, đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa qua đã cho thấy năng lực của hệ thống y tế Thủ đô, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến địa bàn dân cư.

 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị Chính phủ sớm có chiến lược tiêm vắc xin trong năm 2022, trong đó có vắc xin cho học sinh, để có thể mở lại trường học.

“Để sống thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới thì phải nâng cao năng lực hệ thống y tế trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là sự thống nhất trong thông điệp truyền thông từ Trung ương đến địa phương để tạo đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng như Chính phủ cần tăng cường dự trữ nguồn lực quốc gia để bổ sung kịp thời cho các địa phương khi dịch bệnh bùng phát”, đại biểu nêu kiến nghị.

Tiết kiệm chi ngân sách trong bối cảnh khó khăn

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự chung sức của các chính quyền địa phương thời gian qua. Về mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5% trong năm 2022, đại biểu cho rằng, đây là chỉ tiêu khả quan, song Chính phủ cần xây dựng các kịch bản phục hồi sau đại dịch, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều khởi sắc. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư hơn nữa cho ngành nông nghiệp - một trong những “bệ đỡ” của nền kinh tế nước ta - cùng với từng bước khơi thông các thị trường xuất khẩu sau thời gian dài chịu tác động do dịch bệnh.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ quan ngại khi GDP quý III giảm mạnh, cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế đang bị tác động nghiêm trọng. Vì thế, nếu không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch thì nguy cơ suy thoái nền kinh tế là có thể. Dẫn số liệu thống kê 9 tháng qua cho thấy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tăng trưởng dương, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có đầu tư thỏa đáng hơn cho lĩnh vực quan trọng này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ lo ngại việc mở rộng cơ chế đặc thù cho một số địa phương thời gian tới có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần tính đến các phương án tiết kiệm chi, tránh bị động trong việc cân đối ngân sách, đồng thời tăng dự phòng ngân sách Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để đưa ra chương trình phục hồi kinh tế, do đó nếu kết quả năm 2022 không nổi bật thì khó hoàn thành mục tiêu chương trình 5 năm.

Về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng cần giảm lãi suất vay để doanh nghiệp tiếp cận được, đi kèm với đề xuất này, Ngân hàng Nhà nước cũng phải kiểm soát về phát sinh nợ xấu.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Cường (Đoàn Hải Dương) đề nghị cần có giải pháp tăng cường quản trị quốc gia, chỉ huy thống nhất thì mới tạo ra sự phát triển kinh tế cũng như quyền tự do đi lại của người dân.

 Đình Hiệp- Tiến Thành - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1015182/chu-dong-thich-ung-linh-hoat-voi-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi?fbclid=IwAR3z1_inzyH63ZuOphbojq_-zMZGF7ArQw19Fh-Z9FW0ei-riBNLw-1NCJQ