Chủ tài khoản TikToker khoe dùng thẻ cán bộ để “thông chốt” kiểm dịch Covid-19 có thể bị xử tù?

08/08/2021 14:14

Kinhte&Xahoi Chuyên gia pháp lý cho rằng, chủ tài khoản TikTok P.N.T khoe "Thẻ đỏ quyền lực từ ba" để “thông chốt” kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật dù bất cứ sự việc là thật hay giả. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...

Mới đây tài khoản TikTok P.N.T đăng tải video với tiêu đề "Thẻ đỏ quyền lực từ ba". Trong video, chủ tài khoản trả lời câu hỏi "Tại sao vẫn đi quanh Hà Nội được khi có chốt?" bằng hình ảnh một tấm thẻ đỏ, trên thẻ ghi nội dung "Thẻ cán bộ". Sau khi clip được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và khiến nhiều người bày tỏ bức xúc, cho rằng TikToker này đã lợi dụng quan hệ, chức vụ của người thân để "thông chốt", vi phạm quy định giãn cách xã hội.

Cô gái trẻ khoe thẻ đỏ của ba để thông chốt phòng dịch Covid-19 (ảnh cắt từ clip)

Ngay sau khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là những lời chỉ trích của cộng đồng mạng, tài khoản Facebook P.N.T được cho là của cô gái trẻ đã lên tiếng đính chính rằng clip này cô quay trước đó đã lâu và bố cô cũng chỉ làm nông nghiệp…

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành vi vi phạm pháp luật dù bất cứ sự việc là thật hay giả. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân lai lịch của Tik Toker này, làm rõ thẻ đỏ trên là thẻ gì, cấp cho ai để có căn cứ xử lý vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu có việc thông đồng dùng thẻ ngành, thẻ cán bộ để “thông chốt” kiểm dịch Covid-19 thì đây là hành vi “tham nhũng quyền lực”, “trục lợi từ cương vị công tác”. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi làm mất niềm tin của người dân, có dấu hiệu đặc quyền, lợi ích nhóm và nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật”.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm về vụ việc cô gái trẻ khoe sử dụng thẻ cán bộ của ba để thông chốt phòng dịch

Cũng theo luật sư Cường, nếu xác định người có tên trong thẻ này cho con mình mượn thẻ để đi qua các chốt kiểm dịch Covid-19 trong khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, thì phải xử lý thật nghiêm. Phải xem xét lại trình độ, năng lực, đạo đức, nhận thức của vị cán bộ này bởi đây là một chuyện hết sức hài hước và có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, hành vi này không thể chấp nhận được.

Trường hợp cô gái này tự ý lấy thẻ cán bộ của bố mình để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người có thẻ vẫn phải giải trình trước cơ quan về việc sử dụng, quản lý thẻ cán bộ của mình để người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đồng thời vẫn phải xem xét xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau theo quy định về kỷ luật đảng, kỷ luật viên chức, công chức.

Trường hợp nội dung đúng như cô gái giải trình, sự việc diễn ra lâu rồi chứ không phải tại thời điểm thực hiện theo Chỉ thị 16 thì rõ ràng nội dung thông tin là sai sự thật và cô gái này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Cụ thể pháp luật quy định: Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020.

Trường hợp hành vi đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại điểm 1.4 mục 1, Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng về kinh tế, về tính mạng con người; Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội cấp độ cao nhất, các lực lượng chức năng đang ngày đêm căng mình chống dịch; Đại đa số người dân đều chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh đó là: “Nhà cách ly với nhà”, “phường cách ly với phường...” “Nhà nào ở nhà đó”, những người ra đường phải có lý do chính đáng…

Trong khi đó vẫn có một số người ý thức kém, tỏ ra sang chảnh, hào nhoáng, lợi dụng các mối quan hệ để thực hiện mưu lợi cá nhân, gây bất bình đẳng trong xã hội, khiến dư luận xã hội bức xúc. Hành vi này cho thấy mức độ nhận thức rất hạn chế, ý thức kém và là hành vi vi phạm pháp luật, có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Hình ảnh xấu xí đó thể hiện con người lười lao động, tư tưởng lối sống hưởng thụ, sa đọa, đặc quyền, đặc lợi, sống ỉ lại, dựa dẫm vào các mối quan hệ. Những người có suy nghĩ, nhận thức, hành động như vậy có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực, trở thành gánh nặng cho xã hội. Bởi vậy dư luận cần đấu tranh với những người này để họ nhận thức ra được việc làm của mình. Thấy được trách nhiệm của mình trước cộng đồng, để thể thay đổi nhận thức, có những suy nghĩ, hành động đúng đắn hơn”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Thành Long - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàn Quốc: 90% sinh viên đại học muốn được hoàn lại học phí

Gần 90% sinh viên đại học tại Hàn Quốc muốn được hoàn lại học phí, dù chỉ là một phần vì các khóa học trong học kỳ thứ hai của năm học này có khả năng vẫn theo hình thức trực tuyến, tương tự như các học kỳ trước kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-tai-khoan-tiktoker-khoe-dung-the-can-bo-de-thong-chot-kiem-dich-covid-19-co-the-bi-xu-tu-172991.html