Chủng virus có 17 đột biến tấn công người đã chữa khỏi Covid-19

08/03/2021 14:39

Kinhte&Xahoi Các nhà nghiên cứu ước tính 25-61% người từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm nếu tiếp xúc với chủng P1.

Một biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil đang gây lo ngại. Chủng virus mới mang tên có khả năng lây lan gấp 2,2 lần và khiến những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh tái nhiễm. 

Nhân viên y tế ở TP Sao Paulo, Brazil. Ảnh: Guardian

Đại học Sao Paulo phối hợp với Đại học Hoàng gia London và Đại học Oxford phát hiện đợt lây nhiễm thứ hai ở Manaus liên quan tới sự xuất hiện của biến thể mới. Đây là thành phố được ghi nhận có mức độ miễn dịch cao từ đợt đầu tiên.

“P.1 tích lũy 17 đột biến, trong đó có 3 đột biến liên quan tới khả năng virus vượt qua kháng thể xâm nhập vào tế bào người”, Tiến sĩ Nuno Faria, Đại học Hoàng gia London, cho biết.

Sau khi giải trình tự bộ gene, các nhà nghiên cứu phát hiện dòng P.1 có khả năng đã xuất hiện ở Manaus từ đầu tháng 11/2020. Hiện biến thể này đã được xác định ở hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học ước tính P.1 tránh được 25-61% khả năng miễn dịch so với các biến thể trước. Điều này đồng nghĩa 25 đến 61 người trong số 100 ca từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm nếu họ tiếp xúc với P.1.

Chủng P.1 cũng làm tăng nguy cơ tử vong 1,1-1,8 lần so với các biến thể trước đó ở khu vực Amazon.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận hạn chế của kết quả thống kê trên. Họ không rõ nguy cơ tử vong tăng lên do biến thể hay hệ thống y tế quá tải ở Manaus trong đợt dịch thứ hai.

Khảo sát cũng chỉ xem xét khả năng miễn dịch có được từ lần mắc bệnh trước đó chứ không phải do tiêm chủng. Như vậy, không có bằng chứng cho thấy các loại vắc xin hiện tại kém hiệu quả hơn đối với dòng P.1.

Giới chuyên môn nhấn mạnh việc tăng cường giám sát bộ gene của các biến thể vẫn là yếu tố quan trọng để tăng tốc độ phản ứng với đại dịch.

"Hợp tác toàn cầu về giải trình tự bộ gene virus giúp chúng tôi xác định các dòng cần quan tâm của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về cách thức SARS-CoV-2 đang thay đổi và việc cải tiến vắc xin đòi hỏi cao hơn ở quá trình giải trình bộ gene của virus”, Giáo sư Ester Sabino, Đại học Sao Paulo, khẳng định.

 An Yên - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar?

ASEAN và Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực, song cuối cùng giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar phụ thuộc vào chính câc nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/chung-virus-co-17-dot-bien-tan-cong-nguoi-da-chua-khoi-covid-19-d150396.html