Covid-19 và những ngày sống chậm để yêu thương

07/08/2021 16:00

Kinhte&Xahoi Gác lại những gánh nặng cơm áo, những ngày cách ly xã hội là thời gian để mỗi người sống chậm lại, làm những điều bình dị, ấm lòng từ những điều nhỏ bé.

Tận dụng khoảng thời gian trống để trồng rau trong những chai nhựa tái chế và thùng xốp. 

Covid-19 ập đến, cuộc sống những người công nhân, lao động tự do vốn đã khó lại càng khó hơn, nỗi lo lộ rõ trên khuôn mặt mỗi người.

Bình tâm vượt dịch

Từ sáng sớm, xóm trọ nhỏ tại Khu phố An Thành, Phường Thái Hòa, TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương không còn nghe những tiếng í ới gọi nhau đi làm, tiếng xe chạy, tiếng lũ trẻ trong xóm chào khi tới trường. Thay vào đó mọi hoạt động dường như chậm lại, thay cho những xô bồ của ngày trước.

Trước khó khăn chung của dịch bệnh, công việc của người lao động trong xóm trọ buộc phải dừng lại, dừng việc vô tình đẩy cuộc sống của họ tới hoàn cảnh khó khăn hơn, bởi nghỉ dịch hơn một tháng nay, những đồng tiền tiết kiệm sắp cạn. Tuy nhiên, bằng tinh thần lạc quan, mọi người đã cố gắng tìm được cân bằng vượt qua nỗi khó khăn này. 

Tháng 7, chị N.T.Mừng (quê Thanh Hóa) là công nhân đang làm việc tại một công ty giày da nhận được thông báo tạm nghỉ việc và cũng là lúc có quyết định giãn cách xã hội của tỉnh theo Chỉ thị 16.

Chị cũng không giấu được nỗi lo khi bản thân và gia đình làm ăn xa quê trước nay vốn đã khó khăn, phải dành dụm tiết kiệm mới có được đồng dư. Nay dịch Covid-19 không đi làm, chị càng phải chắt chiu hơn, hạn chế những chi tiêu không cần thiết, giảm trong từng bữa ăn thì mới mong vượt qua những ngày sắp tới.

“Theo tôi, việc luôn giữ tinh thần lạc quan trong lúc này là rất quan trọng với tất cả mọi người và bản thân. Trong nguy có cơ, khi một tình huống không tốt xảy ra, hãy tìm ra mặt tích cực và linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh mới”, chị Mừng chia sẻ.

Những ngày nghỉ dịch, chị Mừng nảy ra sáng kiến tận dụng khoảng thời gian trống để trồng rau vào những chai nhựa tái chế và thùng xốp. Chị cười: “Giãn cách như vầy mới có thời gian mà trồng rau, chứ hằng ngày đi làm đến tối mò mới về, ăn cơm xong lo ngủ để mai dậy còn đi làm sớm. Bây giờ ở nhà trồng rau, vừa giết thời gian, vừa có rau sạch ăn, lại tận dụng được đồ tái chế”.

Quả thật, việc giữ tinh thần lạc quan trong thời điểm này có thể giúp mỗi chúng ta sống một cuộc sống tích cực và khoa học hơn.

Mấy chị em tập chơi những trò dân gian mà trước đây chúng không hề biết.

“Sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn”

Cũng làm ăn xa quê như chị Mừng, chị N.T. Hồng (quê Hà Nam) trong một thoáng chao đảo khi mất việc cũng bình tâm trở lại, quyết định bản thân phải vượt qua hoảng loạn. Xác định sẽ ở tại chỗ trong đợt dịch này, chị hiểu Bình Dương đang là một trong những địa phương có tình hình dịch phức tạp, nếu về quê sẽ ảnh hưởng đến người thân, làm tình hình quê nhà thêm nghiêm trọng.

Chính nhờ ở lại, chị Hồng mới cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp nghĩa tình của những con người nơi xóm trọ. Những ngày giãn cách, đều đặn mỗi ngày đều có những cuộc điện thoại người thân gọi thăm hỏi thăm thình hình sức khoẻ, dặn dò mua nhu yếu phẩm.

Tình người nơi xóm trọ nhỏ gắn bó nhau l5 kỳ, các phòng chia sẻ cho nhau từng con cá, bó rau, miếng bí, miếng bầu, nhắc nhở đeo khẩu trang mỗi khi ai đó chuẩn bị ra đường. Mặc dù chiếc khẩu trang che hết phần mặt, nhưng những đôi mắt biết nói, biết cười như trao nhau những sự ấm áp nghĩa tình của những người con xa quê từ khắp nơi về chung một xóm trọ.

Đâu đó, tiếng cười khúc khích, ánh mắt ngây thơ, câu hỏi hồn nhiên của mấy đứa nhỏ như an ủi phần nào nỗi lo ngày dịch dài. Năm nay, thay vì được đi chơi, được về quê thăm ông bà, đến các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng… như những năm trước, thì năm nay cả phụ huynh và học sinh đã có những cách riêng để thích nghi với mùa hè đặc biệt này. Mùa giãn cách, các bạn nhỏ cũng được bố mẹ nhắc nhở về sự nguy hiểm của đại dịch cũng đã ý thức được về việc đeo khẩu trang, nước sát khuẩn khi ra ngoài đường. Ngoài việc tham gia các lớp học trực tuyến về ngoại ngữ, khoa học thì tụi nhỏ còn tập chơi những trò chơi dân gian mà trước đó chúng không hề biết.

Tiếng tranh cãi của cái Vy, cái Uyên đang chơi ô ăn quan trước cửa nhà, thỉnh thoảng lại reo lên “A, thắng rồi” vang cả một góc xóm trọ nhỏ. Tiếng cười rộn rã, tưng bừng trong căn trọ số 4 như muốn nổ tung, mừng rỡ của cu Đạt trêu cho cái Bống khóc toáng lên. Vậy mới thấy, mấy đứa nhỏ trước giờ cứ quanh quẩn TV với điện thoại, nay được chơi cùng bố mẹ, gia đình mình, đứa nào cũng khoái chí cười khanh khách.

Cách ly xã hội có thời gian sống chậm rãi, để tất cả mọi người quan tâm tới gia đình, trò chuyện cùng con trẻ, chăm sóc bản thân sau những ngày chạy đua mưu sinh. Nhịp sống nơi xóm trọ nhỏ không còn vội vã, không xô bồ, lòng ai cũng như trẻ lại. Mặc dù, khó khăn vẫn ở đó, nhưng tạm gác những âu lo để cảm nhận sự bình yên của cuộc sống.

Hoàng hôn dần tắt, cũng là lúc nhường cho bóng đêm tràn về, xóm trọ sáng đèn. Lại kết thúc một ngày cách ly xã hội nữa. Tạm gác lại những nỗi lo tiền bạc, sống chậm thấy những yêu thương, thấy cuộc sống này thú vị, mà đẹp đến nao lòng.

 Di Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàn Quốc: 90% sinh viên đại học muốn được hoàn lại học phí

Gần 90% sinh viên đại học tại Hàn Quốc muốn được hoàn lại học phí, dù chỉ là một phần vì các khóa học trong học kỳ thứ hai của năm học này có khả năng vẫn theo hình thức trực tuyến, tương tự như các học kỳ trước kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thong-tin-covid-19/covid-19-va-nhung-ngay-song-cham-de-yeu-thuong-d162744.html