Cuộc “di dân lịch sử” khỏi Kinh thành Huế sẽ bắt đầu từ tháng 11

23/09/2019 10:43

Kinhte&Xahoi Giai đoạn 1 của cuộc “di dân lịch sử” cần kinh phí đền bù giải tỏa 1.880 tỉ đồng và khoảng 1.000 tỉ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tái định cư.

Đề án “Di dời dân cư khỏi khu vực 1 thuộc Kinh thành Huế” đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong quá trình thực hiện. Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo kịp thời để sớm di dời dân cư đợt 1 vào tháng 11/2019.

Gần 500 hộ dân trên sông Thượng Thành sẽ được di dời trong năm nay.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đạt, trú tại tổ 3, khu vực 1, phường Thuận Thành, thành phố Huế, đã sinh sống trên khu vực Thượng Thành từ 30 năm nay. Nhiều năm qua, cả gia đình đều phải sinh sống trong ngôi nhà chật hẹp, tạm bợ nắng rọi, mưa dột. Cả nhà ông Đạt luôn mơ về một chốn an cư lạc nghiệp nên từ khi tỉnh có kế hoạch di dời dân cư đến nơi ở mới, ông rất vui mừng và đồng thuận.

Ông Đạt cho biết, gia đình mong được di dời càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trước mùa mưa bão: “Đợt này thành phố và phường tổ chức đo đạc nhà cửa của dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu. Nhân dân đồng tình theo chính sách, chủ trương nhà nước để di dời đến nơi ở mới. Địa điểm di dời dân phường An Hòa và phường Hương Sơ bà con ở đây đồng tình và nhất trí ủng hộ hết”.

Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ sinh sống. Theo Đề án “Di dời dân cư khỏi khu vực 1 thuộc Kinh thành Huế”, trong giai đoạn 1, từ năm 2019 đến 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung di dời, tái định cư khoảng 2.780 hộ. Kinh phí đền bù giải tỏa là 1.880 tỉ đồng và khoảng 1.000 tỉ đồng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng tái định cư. Theo UBND thành phố Huế, qua công tác kiểm đếm và thống kê, số hộ dân sẽ di dời trong đợt đầu tiên của giai đoạn 1 khoảng 450 hộ thay vì 523 hộ theo kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế cho biết, công tác kiểm kê và kê khai ngồn gốc phải thực hiện nhều lần, sau đó lấy ý kiến dân cư nơi cư trú để xác minh hồ sơ và chứng minh thời gian sử dụng đất của các hộ dân.

“Công tác kiểm kê đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn, đó là việc các hộ dân ở khu vực thượng thành này đa số không có giấy tờ và việc chứng minh thời điểm sử dụng đất áp dụng vào chính sách, hưởng các mức hỗ trợ theo đúng khung chính sách được Thủ tướng phê duyệt thì đòi hỏi phải đảm bảo thời gian làm sao bồi thường cho đúng người, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách”, ông Anh Tuấn nói.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế kiểm tra hạ tầng khu tái định cư.
Những hộ dân ở thượng thành thuộc diện di dời đợt đầu.  

Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2 khu tái định cư đang được triển khai gấp rút. Đơn vị thi công cam kết, đầu tháng 10 tới sẽ bàn giao các lô đất ở khu tái định cư đầu tiên, đến cuối tháng 10, sẽ bàn giao đất ở khu tái định cư tiếp theo.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, quá trình triển khai Đề án “Di dời dân cư khỏi khu vực 1 thuộc Kinh thành Huế” đã được Chính phủ cho phép với khung chính sách thông thoáng nhằm hỗ trợ tối đa những hộ dân thuộc diện di dời. Tuy nhiên, kinh phí di dời giai đoạn một 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Hiện Chính phủ chỉ mới cấp 100 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại… Ông Phan Ngọc Thọ cho hay, việc di dời cư dân đợt đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 11 tới, dù chậm hơn so với kế hoạch nhưng phải đảm bảo giải quyết xong các vướng mắc và kiến nghị của người dân trước khi thực hiện.

“Quan trọng là kinh phí với kinh phí giai đoạn 1 là 1.880 tỷ còn lại 1.780 tỷ thì Chính phủ đã có chủ trương huy động từ các nguồn lực, từ nguồn bán vé tham quan di tích, từ ngồn tăng thu thuê đất và đặc biệt là đầu tư công trong thời gian tới, Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của quốc gia chúng tôi đang cần sự hỗ trợ của chính phủ, của Bộ,ngành để hy vọng chúng ta có một kế hoạch giải ngân vốn phú hợp với tiến độ triển khai của tỉnh”, ông Thọ cho biết thêm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VOV/ Pháp luật Plus