Cựu bí thư và cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương bị đề nghị truy tố trong vụ án bán rẻ 43 ha đất vàng

14/03/2022 16:22

Kinhte&Xahoi Ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng 27 bị can khác bị đề nghị truy tố trong vụ án bán rẻ "43 ha đất vàng" của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2).

Liên quan vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2), mới đây, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 28 bị can.

Theo đó, có 22 bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, trong đó có ông Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) và Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương).

Ông Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương.

Ba bị can bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản gồm: Võ Hồng Cường (chủ tịch kiêm giám đốc Công ty CP Hưng Vượng), Nguyễn Thục Anh (cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển, con gái bị can Nguyễn Văn Minh) và Trần Đình Như Ý (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển).

Ba bị can bị đề nghị truy tố về cả hai tội danh, gồm: Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Tổng công ty 3/2), Trần Nguyên Vũ (cựu tổng giám đốc Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương CTCP), Huỳnh Thanh Hải (cựu chủ tịch HĐTV kiêm tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương).

Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3/2 quản lý và sử dụng để làm dự án. Năm 2010, tổng công ty liên kết với Công ty Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh mới là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú để xây dựng dự án.

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm.

Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Nguyễn Văn Minh cùng con rể Nguyễn Đại Dương và các bị can đã cố ý làm trái nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy. Mục đích để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất trên cho Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương thành lập, điều hành.

Đối với ông Trần Văn Nam, kết luận nêu trong giai đoạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã ký ban hành Công văn số 3444/UBND-KTN ngày 23/11/2012 chấp thuận giá đất khu dịch vụ tại Khu liên hợp là 51.914 đồng/m2 (giá đất bình quân ban hành năm 2006) để Cục thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha và 145 ha được giao cho Tổng Công ty 3/2 vào năm 2012, 2013, trái quy định pháp luật, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền hơn 761 tỉ đồng.

Trong việc xử lý khu đất 43 ha của Tổng Công ty 3/2, với thẩm quyền quy định, ông Trần Văn Nam hoàn toàn có thể ra quyết định buộc Tổng Công ty 3/2 khắc phục hậu quả bằng việc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do động cơ cá nhân, bị can Trần Văn Nam đã quyết định, cố ý cho Tổng Công ty 3/2 tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo, không yêu cầu đưa khu đất 43 ha về Công ty Impco theo đúng Phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Để hợp thức, che giấu sai phạm, Trần Văn Nam đã tiếp tục chỉ đạo cấp dưới "hợp thức hóa" các công văn làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu. Hành vi này của bị can Trần Văn Nam đã liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước gần 202 tỉ đồng.

Các bị can khác trong vụ án.

Về phía cựu Chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm, quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, bị can này biết doanh nghiệp này đã chuyển nhượng đất trái quy định nhưng vẫn đồng ý, tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển dịch tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại gần 202 tỉ đồng.

Kết luận điều tra bổ sung cũng nêu, ông Liêm cũng biết khu đất 145 ha đã được Tổng công ty 3/2 đưa vào góp vốn tại Công ty Tân Thành. Sau đó, bị can vẫn ban hành quyết định đưa khu đất vào mục tài sản chờ thanh lý trái với quy định của pháp luật. Hành vi này gây thiệt hại 1.650 tỷ đồng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ.

 Diệu Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba cú sốc đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, tiếp đến là sự tàn phá bởi đại dịch Covid-19 thì nay lại tiếp tục gánh chịu hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Theo dự báo, đến cuối năm 2022, có tới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cuu-bi-thu-va-cuu-chu-tich-tinh-binh-duong-bi-de-nghi-truy-to-trong-vu-an-ban-re-43-ha-dat-vang-d178136.html