Đà Nẵng: Cả gia đình có nguy cơ “ra đường” vì THA có dấu hiệu mập mờ?

03/08/2018 10:08

Kinhte&Xahoi Gia đình ông Đoàn Trọng Hưởng (SN 1962, trú tại địa chỉ 266/57/23F Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có nguy cơ phải ra đường vì bị Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng tiến hành đấu giá nhà sai quy định trên mảnh đất của gia đình ông.

Ngày 27/7/2018, ông Đoàn Trọng Hưởng và vợ là bà Phạm Thị Minh Nguyệt (trú cùng địa chỉ nêu trên) đã có đơn kiến nghị gửi Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng và Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng yêu cầu công khai việc không cho nộp tiền trả nợ thay cho người phải thi hành án.

Cụ thể trong đơn, ông Đoàn Trọng Hưởng cho biết: “Do có quen biết từ trước, nên gia đình tôi có cho ông Nguyên Xuân Dũng - Giám đốc Công ty TNHH An Bình Lộc mượn giấy tờ nhà (QSD đất) để vay ngân hàng với số tiền 500 triệu đồng, để ông Dũng có vốn làm ăn. Người này hẹn gia đình tôi 6 tháng sẽ lấy lại giấy tờ để trả gia đình tôi và chịu trả lãi suất ngân hàng theo quy định”.

Đơn kiến nghị ông Đoàn Trọng Hưởng gửi lên Cục thi hành án TP Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng.

“Là người đứng đầu một Công ty xây dựng, ông Dũng đã lấy tiền từ các công trình về, nhưng không trả tiền lãi suất như cam kết mà dùng tiền đó mua 2.000m2 đất trên khu vực huyện Hòa Vang. Cuối cùng quá thời hạn quy định, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam khởi kiện Công ty TNHH An Bình Lộc (trụ sở 150 Ông Ích Khiêm, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) liên quan tranh chấp hợp đồng tín dụng”, ông Hưởng cho hay.

Trong phiên xét xử tại TAND quận Thanh Khê (ngày 7/5/2015) và Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng (ngày 29/7/2015), các cấp xét xử đều buộc bị đơn là Côngty TNHH An Bình Lộc có trách nhiệm trả cho ngân hàng số tiền nợ gốc và lãi.

Bản án số 21/2015/KDTM trong phiên xét xử tại TAND quận Thanh Khê (ngày 7/5/2015)

Đặc biệt trong Quyết định tại trang 9 của Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng nhận định: “Đơn khởi kiện của ngân hàng chỉ yêu cầu xử lý quyền QSD đất. Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, ngôi nhà được xây dựng từ năm 2009. Như vậy, tài sản trên đất không thuộc tài sản phạm vi tài sản đảm bảo... Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm liên quan đến tài sản này theo hướng trả lại ông Hưởng, bà Nguyệt tài sản trên đất”.


Ông Hưởng cho biết thêm: “Do ông Dũng không chấp hành thi hành án, nên Cục THADS TP Đà Nẵng xử lý tài sản thế chấp của tôi theo chiều hướng bán đấu giá tài sản để thi hành án và đã ra thông báo trước ngày 30/7/2018 buộc gia đình tôi phải di dời để thi hành án.

Điều tôi bức xúc ở đây là sau khi bản án phúc thẩm đã tuyên, Công ty này vẫn nhận tiền công trình gần 1 tỷ đồng. Ông Dũng cũng bán đi 1 chiếc ô tô nhưng không chịu thi hành án.

Còn phía thi hành án lại cho rằng Công ty này ngưng hoạt động nên không đủ điều kiện thi hành án. “Tôi biết là Cty TNHH An Bình Lộc có vốn pháp định 10 tỷ đồng. Dù Công ty hiện tạm ngưng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục phá sản nên việc thi hành án không bị ảnh hưởng. Tại sao Cục THADS TP Đà Nẵng lại cố tình xử lý tài sản của bên liên quan, trong khi bị đơn lại không bị xử lý?”, ông Hưởng đặt câu hỏi.

Cũng trong đơn, ông Hưởng cho biết hoàn cảnh gia đình đang vô cùng khó khăn thời điểm hiện tại: “Căn nhà là nơi duy nhất cho 4 thành viên gia đình tôi sinh sống bao năm qua. Khó khăn bộn bề vì vợ tôi sức khỏe yếu mới nghỉ không ăn lương ở nhà chờ giám định sức khỏe có 81 %, tôi cũng đi bộ đồi về, hiện không có công ăn việc làm ổn định.

Hai đứa con nhỏ đều đang đi học đại học, nên kinh tế phục thuộc hoàn toàn bố mẹ. Việc đơn vị thi hành án cố tình thi hành án đẩy gia đình tôi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, trong khi ông Nguyễn Xuân Dũng và Cty TNHH An Bình Lộc lại không bị xử lý theo đúng trình tự pháp luật”.

Ông Hưởng chia sẻ thêm rằng gia đình đã gửi đơn thư nhiều lần phản đối việc Cục THADS TP Đà Nẵng tiến hành thẩm định nhà, đất và tiến hành đấu giá nhà sai quy định. Cụ thể trong ba lần gửi đơn về Cục THADS TP Đà Nẵng vào 20/4/2017; 25/5/2018 và 4/7/2018, đều phản đối việc đấu giá nhà sai quy định pháp luật, vì “chưa nhận được được bản án có dấu để thi hành án và kê biên tài sản”, nhưng đều không được xem xét, xử lý.

Ông Hưởng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xử lý.

Sau hơn 1 năm gửi đơn thư phản ánh lần đầu, khi vợ chồng ông Hưởng yêu cầu tiến hành thi hành án Cty TNHH An Bình Lộc, Cục THADS TP Đà Nẵng mới có Văn bản trả lời số 812/CV-CTHDS do chấp hành viên Đinh Vạn Thành Nhân gửi ngày 3/4/2018 gửi phản hồi cho gia đình ông Hưởng.

Sau đó đến ngày 17/7/2018, Cục THADS TP Đà Nẵng tiếp tục có thông báo ông Hưởng, bà Nguyệt giao tài sản nhà và đất, sau khi bán đấu giá tài sản cả nhà và đất với số tiền 1.220.000.000 đồng (Trong đó là 259.360.000 đồng tiền giá trị nhà và 960.640.000 đồng tiền giá trị đất).

Trước thông báo này, gia đình ông Hưởng vô cùng bức xúc bởi họ đã không dưới ba lần có văn bản đề nghị tự nguyện thi hành án để giữ lại QSD đất cho khoản vay 500 triệu đồng mình đã mượn thay cho Công ty TNHH An Bình Lộc.

“Rõ ràng trong đơn khởi kiện ngân hàng chỉ yêu cầu trước tòa liên quan QSD đất, nhưng Cục THADS vẫn cố tình thẩm định nhà, không làm việc thỏa thuận gia đình tôi. Chúng tôi cũng chấp nhận tự thi hành án để khắc phục hậu quả cho khoản vay 500 triệu đồng nhưng Chấp hành viên Đinh Vạn Thành Nhân không xem xét yêu cầu kể trên. Từ việc xử lý trái luật kể trên, tự nhiên vì khoản vay 500 triệu đồng, tôi mất cả nhà và cửa vô cùng vô lý, oan ức.

Chúng tôi xin chấp nhận đền bù khoản vay và khoản lãi nhưng không được chấp nhận và họ cố ý bán đấu giá cho người khác. Chúng tôi buộc phải viết đơn kêu cứu báo chí cũng như gửi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhằm lấy lại công bằng cho chúng tôi trước một loạt sai sót từ đơn vị thi hành án”, ông Hưởng cho hay.

Liên quan đến sự việc, chiều 24/7, phóng viên đã làm việc với ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng.

Ông Thu cho biết: “Sáng cùng ngày, Chủ tịch thành phố cũng đã gọi điện cho tôi liên quan đơn phản ánh của ông Hưởng về việc vì sao không thi hành án doanh nghiệp lại thi hành án đối với vợ chồng ông Hưởng. Hiện tôi đã giao cho Chấp hành viên Đinh Vạn Thành Nhân chuẩn bị lại hồ sơ để báo cáo lãnh đạo thành phố.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khẳng định việc thi hành án đúng trình tự pháp luật cũng như tạo điều kiện cho ông Hưởng, bà Nguyệt tự thi hành án để khắc phục hậu quả nhưng suốt thời gian qua họ không chịu, buộc chúng tôi bán đấu giá căn nhà và đất. Các câu hỏi liên quan sự việc sẽ được chấp hành viên trả lời cho phóng viên sau khi hoàn tất kiểm tra hồ sơ”.

Trong đơn, ông Hưởng cũng khẳng định, vợ chồng ông sẵn sàng xin được truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh vu khống người thi hành công vụ, giả mạo giấy tờ nhà nước nếu các chứng cứ chứng minh trên là giả mạo, trái pháp luật.

Còn trong trường hợp nếu không chứng minh được vợ chồng ông Hưởng vi phạm pháp luật đương nhiên các yêu cầu trên là đúng luật. Cục thi hành án dân sự Đà Nẵng cố tình bán đấu giá nhà đứng tên ông Hưởng, bà Nguyệt không phải tài sản bảo đảm cho nợ của bên vay, không có biên bản kê biên, đương sự không yêu cầu định giá nhà rõ ràng.

Ông Hưởng cũng cho rằng, những người thi hành án số 06/KDTM-ST ngày 7/5/2015 của TAND quận Thanh Khê cố tình làm sai lệch hồ sơ nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền chiếm đoạt tài sản hợp pháp của công dân ra các quyết định thi hành án trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ấn Độ: Nhức nhối nạn hiếp dâm trẻ em

Nạn hiếp dâm tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ nhì thế giới, đang ngày một gia tăng. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là trẻ em gái, đã trở thành những nạn nhân đáng thương của những cuộc tấn công bạo lực đầy đau xót. Thực trạng này đáng ngại đến mức báo chí thế giới từng gọi Ấn Độ là đất nước của “yêu râu xanh”.

ADN truy tìm “sát thủ giấu mặt” trong hàng loạt vụ trọng án

Trong lịch sử hình sự thế giới, luôn tồn tại một “khoảng trống”, nơi dành cho các vụ án phức tạp qua nhiều năm tháng vẫn chưa thể phá án. “Khoảng trống” này theo thời gian đã ít dần đi do có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ADN - một lĩnh vực tân tiến bậc nhất của khoa học hình sự. Công nghệ này đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận diện tội phạm, thực thi công lý và trả lại công bằng cho nạn nhân.