Đại biểu Quốc hội nêu vướng mắc về cơ chế mua sắm trong phòng, chống dịch COVID-19

06/01/2023 14:19

Kinhte&Xahoi Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, việc đến nay vẫn chưa có quy định về việc mua sắm, huy động về giá, trang thiết bị... chính là những vướng mắc rất lớn ở địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Nghị quyết 30); Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, Nghị quyết 30 là sáng kiến pháp luật, với những giải pháp chưa có trong tiền lệ, đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Nghị quyết 30 cũng tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó, việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vắc xin cho chiến lược tiêm chủng quốc gia.

"Qua báo cáo, chúng tôi nhận thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực triển khai Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có trong tiền lệ", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá.

Mặc dù vậy, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cũng đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch theo Nghị quyết 30.

Theo bà Hà, chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của vắc xin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất tốt và một trong những thành công của thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch chính là vắc xin.

"Tuy nhiên, chúng tôi thấy Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành ban hành những nghị quyết liên quan đến việc mua vắc xin mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương mà chưa ban hành được những văn bản để giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch ở địa phương", bà Hà chia sẻ.

"Tại các địa phương khi mua sắm thì chúng tôi vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật Đấu thầu mà chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn Nghị quyết 30 của Quốc hội", lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nói thêm.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 30 cũng nhận định một số khó khăn, bất cập trong công tác mua sắm là chưa ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để giải quyết những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng số lượng trang thiết bị, vật tư rất lớn.

Mặt khác, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, nhiều địa phương đã phải huy động, trưng dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của khu vực tư nhân hoặc phải rút ngắn thủ tục, thời gian một số nội dung mua sắm, tạm ứng vay mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch khẩn cấp trong điều kiện thời gian gấp rút, tính từng ngày, từng giờ nên chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.

"Sau khi vay mượn như vậy thì hướng dẫn thực hiện như thế nào thì hiện giờ trong văn bản của Chính phủ cũng như Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để địa phương giải quyết được những khó khăn mà đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và mua sắm", bà Hà nói.

Do đó, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Hà Nội đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết vướng mắc này.

"Cho đến nay vẫn chưa có quy định về việc mua sắm trong thời điểm phòng chống dịch, huy động về giá, trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Đấy là những khó khăn, vướng mắc rất lớn ở địa phương thực hiện phòng chống dịch", bà Hà nói và cho biết thêm các vướng mắc khác như việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, đặc biệt là những tài sản được tài trợ trong công tác phòng chống dịch rất cấp bách, rất nhiều nhà tài trợ đã tài trợ cho Hà Nội máy móc, trang thiết bị, kit test.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thụy Sĩ chạy đoàn tàu 100 toa dài 2km vượt dãy Alps

Kỷ niệm 175 năm ngày thành lập tuyến đường sắt đầu tiên của Thụy Sĩ, ngành đường sắt của nước này đã cho chạy đoàn tàu chở khách kỷ lục với 100 toa, nặng 2.990 tấn và dài gần 2km vượt qua dãy núi Alps.

Giá cây thông Noel tăng vọt ở Australia

Tại Sydney (Australia), nhiều người yêu thích cây thông Noel tươi có thể phải thất vọng vì giá tăng vọt do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina gây ra sự hỗn loạn cho mùa lễ hội lớn nhất trong năm - lễ Giáng sinh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-neu-vuong-mac-ve-co-che-mua-sam-trong-phong-chong-dich-covid-19-214980.html