Dân tố UBND tỉnh Nghệ An 'mập mờ' trong việc đấu giá đất vàng

25/02/2019 10:08

Kinhte&Xahoi Như đã phản ánh qua bài "Điểm mặt "đất vàng" làm cơ quan thuế cũng khó xử ở Nghệ An", chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc thông tin liên quan đến các khu “đất vàng” được cho là “có vấn đề".

Thực tế, giá đất khu vực tại phường Hưng Phúc, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An dao động từ 15 đến hơn 20 triệu đồng/m². Nhưng, không hiểu lý do tại sao, UBND tỉnh Nghệ An lại bất ngờ phê duyệt cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST chỉ mua với giá hơn 5,6 triệu đồng/m². Với sự “ưu tiên” này, dư luận cho rằng, mức giá đó là quá “bất bình thường", gây thất thoát cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

 Trang 2 của Quyết định 613/QĐ-UBND-ĐTXD ngày 20/2/2014.
Diện tích đất làm trường tiểu học ở phường Hưng Phúc, TP.Vinh được bán cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST là khu vực “đất vàng” ở Nghệ An. Người dân thành Vinh, không ai không biết sự hiện diện và sự đắt đỏ của khu đất này.

Ông Nguyễn Xuân Đường (đã nghỉ hưu) Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký phê duyệt theo Quyết định 613/QĐ-UBND-ĐTXD ngày 20/2/2014, về việc phê duyệt đề xuất dự án: Xây dựng trường Tiểu học Hưng Phúc (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) có tổng mức đầu tư hơn 46,6 tỉ đồng theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) và giao cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST (có trụ sở tại số 2 Phương Liệt, phường Phương Liệt, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) làm Chủ đầu tư. Trong khi đó, chi phí xây dựng trường học quy mô 15 lớp là 25 tỉ đồng, còn lại là các chi phí khác như hạ tầng kỹ thuật đô thị, tư vấn đầu tư xây dựng...

Một dự án được dự luận cho là có giá "ưu tiên".
Lạ thay, đến ngày 19/1/2017, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Quyết định số 315/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng trường Tiểu học Hưng Phúc (tại phường Hưng Phúc, TP.Vinh) theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (còn gọi là dự án BT). Theo đó, tổng mức đầu tư nâng lên gần 51,4 tỉ đồng (tăng gần 7 tỷ đồng so với Quyết định 4490 mà tỉnh Nghệ An đã phê duyệt ngày 5/10/2015).

UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST 10.112,1 m2 đất (6.545,4 m2 đất xây dựng khu nhà ở, 3.566,7 m2 diện tích đất giao thông), để hoàn vốn cho nhà đầu tư, tại phường Hưng Phúc, TP.Vinh.

Nhưng điều khiến dư luận khó hiểu đến bất ngờ là ngày 15/12/2017, ông Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại chắp bút ký Quyết định số 793/QĐ-UBND phê duyệt mức giá đối ứng cho Viễn Đông INVEST chỉ có 5.661.000 đồng/m² (?!). Vậy, căn cứ ở đây để ông Đại ký Quyết định 793 vẫn là ẩn số mà người hiểu chuyện của thành Vinh tìm câu trả lời trong hơn 1 năm qua.

Điều đáng bàn là, sau khi được giao 6.545,4 m2 đất xây dựng nhà ở, Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST dự kiến xây dựng 48 căn biệt thự liền kề và có giá rao bán cao gấp nhiều lần so với mức mà UBND tỉnh Nghệ An định giá khi giao cho doanh nghiệp.

 Hiện trạng khu đất vàng. 
 
Theo những người dân nơi đây, giá đất khu dân cư sát dự án này đều có giá trên 20 triệu đồng/m2. Khi nghe thông tin đất dự án được giao cho Công ty cổ phần Viễn Đông INVEST với giá hơn 5,6 triệu đồng/m2, thấp so với giá thực tế khoảng 3-4 lần, nhiều người dân bày tỏ bất bình.

Bà Trần Thị B., trú tại khối Yên Bình, phường Hưng Phúc, bức xúc: "Đất ở đây bình quân có giá giao dịch khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng nơi vị trí đẹp còn có giá cao hơn rất nhiều. Tỉnh giao cho doanh nghiệp giá chỉ hơn 5,6 triệu đồng/m2 là bất hợp lý, có sự không minh bạch".

Qua tìm hiểu và xác minh thông tin, PV được biết: "Mỗi lô đất khoảng 120m² để xây dựng nhà liền kề ở khu đất “vàng” Yên Bình bán cho khách hàng với mức giá khoảng 3,8 tỷ đồng. Trong đó, giá đất khoảng 2,7 tỷ đồng và hơn 1 tỷ đồng cho xây dựng phần thô. Như vậy, mỗi m² đất khi đến tay khách hàng có giá không dưới 20 triệu đồng, cao gấp hơn 3 lần so với giá được Nhà nước phê duyệt.

Với mức giá hơn 5,6 triệu đồng/m2, tính ra 6.545,4 m2 đất xây dựng khu nhà ở giao cho doanh nghiệp, tỉnh thu được hơn 36 tỉ đồng. Để có cái nhìn khách quan, PV đã tham khảo ý kiến một chuyên gia về kinh doanh bất động sản thì nhận được phân tích như sau: Với 6.545,4 m2 đất trên, nếu tổ chức bán đấu giá công khai thì Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu thấp nhất khoảng 60-70 tỷ đồng.

Chúng tôi tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin khác về chủ đề trên.

Theo GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao Việt Nam được xem là biểu tượng trong thượng đỉnh Mỹ - Triều?

PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Hà Nội là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.