Đề xuất điều chỉnh địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2019

17/08/2018 08:30

Kinhte&Xahoi Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ tăng thêm từ 160.000-200.000 đồng/tháng, tăng bình quân khoảng 5,3% so với năm 2018. Đặc biệt, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi ở một số địa phương.

Đây là nội dung dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Ảnh minh họa

Dự thảo quy định, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 gồm 4 mức: Mức 4,18 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 1; mức 3,71 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 2; mức 3,25 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 3 và mức 2,92 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 4. 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng từ 160.000 đồng - 200.000 đồng so với hiện hành năm 2018, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 5-5,8% tùy theo từng vùng, mức tăng bình quân là 5,3%.

Mức tăng lương tối thiểu vùng được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2018 dự kiến khoảng 3,5%-4% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động. Mức tăng này còn được điều chỉnh theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,3%-1,8% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.


Đặc biệt, trong dự thảo lần này có sự thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng năm 2019. Qua tổng hợp đề xuất của các địa phương, có 49/63 địa phương đề nghị giữ nguyên địa bàn áp dụng mức lương vùng như năm 2018. Riêng 4 địa phương đề nghị điều chỉnh một số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị điều chỉnh từ vùng 2 lên vùng 1 đối với huyện Kiến Thụy và huyện Cát Hải; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 đối với huyện Gia Bình và huyện Lương Tài; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh từ vùng 2 lên vùng 1 đối với huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo; Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nghị điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 đối với huyện Châu Thành, vùng 4 lên vùng 3 đối với huyện Tân Phước. 

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đề xuất điều chỉnh nâng vùng của các địa phương trên là có cơ sở, do các địa bàn trên có thị trường lao động khá phát triển, nhiều cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp ranh với các địa bàn vùng 1 hoặc vùng 2.... Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ điều chỉnh nâng vùng của các địa phương để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn giáp ranh, lận cận.

Dự thảo sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 16/10.

Theo TTXVN/hoanhap.vn

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những ngành nghề sẽ biến mất vì 4.0 và Blockchain

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu không đòi hỏi trung gian xác nhận thông tin. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Với cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ Blockchain, một số những ngành nghề có nguy cơ "tuyệt chủng".