Đề xuất trường mầm non phải công khai thực đơn hàng ngày của trẻ

03/10/2023 09:17

Kinhte&Xahoi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ảnh minh họa

Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Theo dự thảo, mục đích của công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm: Minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Thông tin tại Báo cáo thường niên là một trong những căn cứ để xã hội và các bên liên quan biết, đánh giá một cách tổng quan về kết quả hoạt động chính của cơ sở giáo dục trong năm. Đồng thời, là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.

Đối với giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đề xuất công khai thông tin về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thực tế trong năm học trước gồm các nội dung: Tổng số trẻ em, tổng số nhóm, lớp, bình quân số trẻ em/nhóm, lớp; số trẻ em học nhóm, lớp ghép; số trẻ em học 2 buổi/ngày; số trẻ em được tổ chức ăn bán trú; số trẻ em được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng và kiểm tra sức khỏe định kỳ; số trẻ em được tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non; kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đồng thời, công khai thông tin về kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm học sắp tới gồm: Tổng số trẻ em; tổng số nhóm, lớp; bình quân số trẻ em/nhóm, lớp (hoặc nhóm, lớp ghép). Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em (chất lượng trẻ em học 2 buổi/ngày, trẻ ăn bán trú, trẻ em được khám sức khỏe, trẻ em được tham các hoạt động giáo dục và được đánh giá sự phát triển…). Chương trình giáo dục nhà trường (nếu có); kế hoạch giáo dục năm, tháng, tuần, ngày. Thực đơn hàng ngày của trẻ em. Hoạt động phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, công khai điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể, về cơ sở vật chất, công khai thông tin diện tích khu đất xây dựng tính bình quân (m2) trên một trẻ em. Số lượng, hạng mục thuộc các khối phòng hành chính quản trị; khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, khối phòng tổ chức ăn, khối phụ trợ; đối sánh với yêu cầu tối thiểu theo quy định. Số lượng các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có; đối sánh với yêu cầu tối thiểu theo quy định. Số lượng đồ chơi ngoài trời, một số thiết bị và điều kiện phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục khác.

Công khai số lượng cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động chia theo hạng chức danh nghề nghiệp, trình độ đào tạo theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non. Số lượng cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động được đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.

Côg khai kết quả tự đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục

Đối với giáo dục phổ thông, công khai các thông tin về kế hoạch đối với khóa tuyển sinh trong năm học tiếp theo gồm: Kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, trong đó quy định rõ đối tượng, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các mốc thời gian thực hiện tuyển sinh và các thông tin liên quan; kế hoạch giáo dục của nhà trường; quy chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; các hoạt động hỗ trợ học tập, sinh hoạt cho học sinh ở cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, phải công bố thông tin giáo dục thực tế trong năm học trước gồm: Kết quả tuyển sinh; tổng số học sinh theo từng khối, số học sinh trung bình/lớp theo từng khối; số lượng học sinh học 2 buổi/ngày.

Kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học về từng lĩnh vực năng lực, phẩm chất, kết quả học tập, tổng hợp kết quả cuối năm đối học sinh cấp tiểu học; tổng hợp đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh cả năm học, số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi đối với học sinh cấp trung học.

Số lượng học sinh dự xét hoặc dự thi tốt nghiệp, được công nhận tốt nghiệp hoặc hoàn thành chương trình giáo dục; số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng đối với cấp trung học phổ thông; số lượng học sinh nam/học sinh nữ, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Đồng thời, công khai kết quả tự đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá. Kết quả đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục qua các mốc thời gian; kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài trong 5 năm tiếp theo và từng năm theo thời gian.

 Hồng Thương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hơn 300 người thương vong trong vụ nổ kho nhiên liệu ở Nagorno-Karabakh

Theo Guardian ngày 26-9, ít nhất 20 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong vụ nổ lớn tại kho chứa nhiên liệu ở vùng Nagorno-Karabakh khi hàng nghìn người gốc Armenia chạy ra khỏi Nagorno-Karabakh sau khi quân đội Azerbaijan giành lại toàn quyền kiểm soát khu vực này.

8 quan chức bị bắt giữ để điều tra vụ vỡ đập tại Libya

Ngày 25-9, Công tố viên trưởng của Libya cho biết, ông đã ra lệnh bắt giữ 8 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức để điều tra về vụ vỡ 2 con đập hồi đầu tháng, một thảm họa khiến hàng triệu khối nước đổ xuống thành phố Derna hôm 11-9, khiến hơn 11.000 người thiệt mạng, 1/4 thành phố đã bị phá hủy.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/de-xuat-truong-mam-non-phai-cong-khai-thuc-don-hang-ngay-cua-tre-d199243.html