Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

24/01/2022 10:39

Kinhte&Xahoi Sáng 24/1, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với Chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Dự hội thảo, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý Lý luận Trung ương; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; HĐND, UBND TP...

Dự hội thảo còn có đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương; Đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Phong Sắc...

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người cộng sản kiên kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nội đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 bản báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan Ban, Bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người trí thức yêu nước nhiệt thành

 Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đặc biệt tấm gương người cha, một trí sĩ yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công.

Với trí thông minh, hiếu học và sự quan tâm của gia đình, Nguyễn Phong Sắc sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung, sau đó vào làm việc tại Sở tài chính Đông Dương (năm 1924) và nhanh chóng trở thành một viên chức cao cấp trong Sở Tài chính Đông Dương. Tại đây, đồng chí có điều kiện nhìn nhận rõ hơn sự bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến đối với nhân dân ta, ý chí làm cách mạng càng nung nấu rõ hơn trong tâm trí Nguyễn Phong Sắc.

Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước chuyển quan trọng trong cuộc đời của đồng chí. Năm 1927, Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ việc làm của một viên chức cao cấp trong chính quyền thực dân, với mức lương cao, có thể đảm bảo cuộc sống sung túc cho cá nhân và gia đình để lựa chọn con đường đầy trông gai, thử thách nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang - con đường cách mạng.

Tích cực hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí tham gia sáng lập Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (tháng 6/1927), được cử vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (tháng 6/1927), Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9/1928), Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội (tháng 4/1929). Đây là những bước tiến quan trọng để đồng chí có những đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và phong trào cách mạng cả nước các giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu góp phần xây dựng và phát triển tổ chức Đảng

 Từ hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, với sự nhạy cảm và tư duy chính trị, Nguyễn Phong Sắc đã sớm nhận thấy yêu cầu đặt ra phải có một tổ chức Đảng Cộng sản. Đồng chí là một trong những thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội (tháng 3/1929); Tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 6/1929), trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công vào Trung Kỳ để xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng.

Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đã được thành lập do đồng chí làm Bí thư và chỉ đạo, trực tiếp xây dựng các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Mùa xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã chủ trì thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành lâm thời, chỉ trong thời gian ngắn, Tỉnh đảng bộ lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi được thành lập. Hệ thống tổ chức Đảng được hình thành từ Kỳ xuống đến các tỉnh, huyện, thị và xã.

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Đảng (tháng 10/1930), trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Phân cục Trung ương Trung Kỳ (tháng 12/1930). Hội nghị phân tích bối cảnh thực tế, đề ra nhiệm vụ và phương hướng khắc phục những khó khăn và tiến hành thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đứng đầu Xứ bộ là Xứ ủy, do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam

 Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn chú trọng gắn công tác xây dựng Đảng, với xây dựng các tổ chức quần chúng (như Công hội, Nông hội, Sinh hội… ) và phát triển phong trào cách mạng. Chính vì vậy, cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 ở Trung Kỳ nói chung, Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng đã ngày càng phát triển, đưa tới việc thành lập chính quyền Xô viết trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng nước ta, thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn của Đảng nói chung, của các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng nói riêng trong đó có đồng chí đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Khi cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh bị chính quyền thực dân, phong kiến đàn áp đẫm máu, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương của Đảng chỉ đạo các chi bộ Đảng tuyệt đối bảo đảm bí mật, tích cực xây dựng các đoàn thể quần chúng, tuyên truyền, bồi dưỡng tinh thần cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và quần chúng, chống lại âm mưu lung lạc, dụ dỗ của kẻ địch.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực

 Lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực luôn hết lòng phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người trí thức hết lòng vì nước, vì dân, tấm gương về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu thương đồng chí, đồng bào và được đồng chí, đồng bào tin yêu, cảm phục, hết lòng che chở, bảo vệ.

Tấm gương kiên trung của đồng chí thể hiện rõ trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng đặc biệt ở lúc nguy nan, khi bị kẻ địch bắt và tra tấn dã man, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, luôn nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Ngay cả trước mũi súng quân thù, tinh thần kiên trung của đồng chí vẫn luôn giữ vững và tỏa sáng.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

 Nguyễn Phong Sắc sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống văn hiến, anh hùng và cách mạng – Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, Nguyễn Phong Sắc đã sớm hình thành chí hướng cách mạng cứu nước, cứu dân.

Hà Nội chính là nơi ươm mầm và phát triển hạt giống cách mạng và hình hình thành nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đây cũng là nơi ghi dấu hành trình người thanh niên Nguyễn Phong Sắc từ người trí thức yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản ưu tú, một trong những người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.

Trở thành một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội vinh dự và tự hào có người con ưu tú như đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, với danh hiệu “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Nguyễn Phong Sắc sẽ sống mãi với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Nội.

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô gái có khả năng đặc biệt chỉ khoảng 2 % dân số thế giới làm được

Khi còn nhỏ, cô gái Yenny Seo (Australia) thường khiến mẹ mình ngạc nhiên khi nhận ra một người lạ trong cửa hàng tạp hoá và nói rằng đó chính là người đã đi ngang qua trên phố vài tuần trước đó. Không những thế, khi hai mẹ con xem một bộ phim cùng nhau, Seo thường nhận ra những nhân vật quần chúng đã từng xuất hiện trong các bộ phim khác.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dong-chi-nguyen-phong-sac-nha-lanh-dao-tieu-bieu-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-188675.html