Năm ngày chết chóc
Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12/1952, thời tiết ở thủ đô của nước Anh vô cùng giá lạnh, tuyết rơi nặng hạt ở khắp nơi. Để giữ ấm, người dân đua nhau đốt than để sưởi, khiến lượng khói phát ra qua ống khói của các tòa nhà gia tăng đột biến.
Một số hình ảnh được ghi lại trong đợt sương mù độc hại tại Anh.
Trong điều kiện bình thường, khói phát ra sẽ hòa vào bầu khí quyển và tan vào không khí. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 12/1952, khu vực London xảy ra hiện tượng đảo nghịch không khí, khiến những hạt và khí ô nhiễm từ các ống khói nhà máy trong khu vực và khói phát ra từ nhà dân không thoát đi được. Rạng sáng ngày 5/12, tại London có gió nhẹ.
Không khí ở gần mặt đất tương đối ẩm, vốn là các điều kiện lý tưởng cho việc hình thành sương mù bức xạ. Chỉ trong vòng vài giờ sau đó, cả thành phố đã chìm trong làn sương dày đặc. Lớp sương nặng nề tiếp sau đó lan ra khắp nơi, len vào cả bên trong những ngôi nhà của người dân. Mãi đến ngày 9/12, khi gió lớn nổi lên, hiện tượng sương mù dày đặc mới biến mất.
Dù trước đó tại London cũng đã xảy ra tình trạng sương phủ dày đặc nhưng sự việc xảy ra vào tháng 12/1952 nghiêm trọng hơn nhiều. Trong những ngày này, tầm nhìn ở các nơi bị giảm xuống chỉ còn khoảng 1m, người dân khi di chuyển trên đường thậm chí còn không nhìn nổi chân mình. Tầm nhìn hạn chế đã khiến cho việc di chuyển bằng xe cộ trở nên vô cùng khó khăn hoặc thậm chí là không thể.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo an toàn, các phương tiện giao thông công cộng đã phải ngừng hoạt động, ngoại trừ hệ thống tàu điện ngầm. Hệ thống xe cứu thương cũng chung số phận, khiến những người gặp vấn đề về sức khỏe phải tự đến bệnh viện.
Sương mù còn xâm nhập cả vào bên trong các tòa nhà, khiến hàng loạt những buổi hòa nhạc hay chiếu phim bị hủy bỏ vì tầm nhìn của con người bị giảm xuống trong không gian lớn. Các sự kiện thể thao dự kiến diễn ra trong giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Thực ra, London vốn nổi tiếng về tình trạng sương mù nên ban đầu, khi hiện tượng trên mới xảy ra, người dân cũng như chính quyền tại đây đều tỏ ra tương đối bình thản. Thế nhưng, ít lâu sau đó, người ta bàng hoàng khi nhận thấy vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân ở thủ đô.
Một báo cáo được công bố vào tháng 2/1953 cho rằng, đợt sương mù nghiêm trọng xảy ra chỉ trong vài ngày cuối năm 1952 đã khiến 6.000 người tử vong. Các báo cáo được công bố gần đây thậm chí cho rằng con số người thiệt mạng trong đợt sương đó lên đến 12.000 người. Hầu hết các nạn nhân đã tử vong đều là trẻ em hoặc người già hoặc người đã có các vấn đề về sức khỏe.
Nguyên nhân tử vong của các nạn nhân được xác định là do nhiễm trùng đường hô hấp, do thiếu ô xy và tình trạng tắc nghẽn cơ học của đường ống dẫn khí khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp do sương mù gây ra.
Ngoài ra, 100.000 người khác cũng được ghi nhận gặp các vấn đề về sức khỏe do hiện tượng thời tiết bất thường này. Sương mù cũng khiến nhiều vật nuôi của người dân chết do ngạt thở. Theo các ước tính sau này, mỗi ngày trong suốt đợt sương mù nguy hiểm này có đến 1.000 tấn hạt khói, 2.000 tấn carbon dioxide, 140 tấn acid hydrochloric và 14 tấn hợp chất flo được thải vào bầu không khí. Đặc biệt, do tác động hóa học của các chất, ước tính 370 tấn lưu huỳnh dioxide đã biến thành 800 tấn acid sulphuric.
Lịch sử sương khói
Thực ra, sương mù từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân ở London. Do vị trí địa lý nên thủ đô của nước Anh thường có nhiệt độ ấm hơn những nơi khác trong mùa hè nhưng mùa đông lại rất lạnh giá. Trong suốt nhiều tháng, trên khắp các đường phố, sương mù giăng kín lối, tạo thành một trong những nét đặc trưng thường được nhắc đến mỗi khi nói đến thành phố này.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều sau khi cuộc Cách mạng công nghiệp được khởi xướng vào cuối những năm 1700. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng, số công xưởng, nhà máy sản xuất ở nước Anh nói chung và đặc biệt là ở London nói riêng đã tăng lên theo cấp số nhân. Trong quá trình hoạt động, các nhà máy đã xả nhiều loại khí và các hạt độc hại ra bầu khí quyển.
Tình trạng ô nhiễm trong không khí cũng được xem là một chất xúc tác khiến cho sương mù – vốn được coi là đặc trưng của London, trở nên nghiêm trọng hơn khi nước bám vào các hạt nhỏ để tạo ra sương mù bị ô nhiễm. Khi một số hóa chất hòa lẫn với nước và không khí, chúng có thể biến thành axit – chất có thể gây kích ứng da, khó thở và thậm chí còn ăn mòn các tòa nhà.
Sương mù có thể dễ dàng nhận ra bởi độ dày, mùi hôi, màu sắc vàng hay nâu bẩn, khác hoàn toàn với sương mù trắng tinh sạch ở nhiều khu vực khác ở Anh. Trước đó, hồi tháng 12/1813, người dân ở London cũng đã báo cáo về sự xuất hiện của màn sương dày đặc, có mùi khó chịu của nhựa than đá. Ở thời điểm đó, làn sương dày đặc cũng đã khiến người dân thậm chí đứng ở bên này phố không thể nhìn sang bên kia. Tình trạng cũng kéo dài trong vài ngày.
Tiếp đó, tháng 12/1873, tình trạng tương tự tiếp tục xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn khi trong những ngày đó, người ta ghi nhận số người chết ở London đột ngột tăng cao, nhiều hơn 40% so với bình thường. Trong các tháng 1/1880, 2/1882, 12/1891, 12/1892 và 11/1948, số người tử vong do sương mù ở London cũng được ghi nhận ở mức cao hơn hẳn so với những ngày khác.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở London thường là khu vực rìa phía Đông của thành phố, là nơi có mật độ nhà máy và nhà cửa cao hơn so với các nơi khác ở thủ đô của nước Anh. Đây cũng là khu vực có địa hình thấp hơn các nơi còn lại, khiến cho sương mù khó bốc hơi hơn.
Đạo luật không khí sạch
Trước vụ việc nói trên, người dân London có xu hướng chấp nhận ô nhiễm như một phần của cuộc sống trong thời kỳ công nghiệp hóa. Tuy nhiên, thảm họa chết người đã khiến họ phải giật mình và suy nghĩ về mối quan hệ giữa chất lượng không khí và sức khỏe. Sau vụ việc, những người sống sót ở London đã không còn nói về làn sương khói ở thủ đô như một việc tất nhiên hay thậm chí có phần lãng mạn.
Thay vào đó, khi làn sương chết chóc tan đi, họ đã bắt đầu đấu tranh yêu cầu nhà chức trách phải hạn chế lượng chất thải phát ra từ các nhà máy, công xưởng. Tình hình cũng đã khiến giới chức địa phương phải xem xét lại các chính sách về môi trường nhằm phòng tránh những tác động chết người của sự phát triển công nghiệp.
Những thay đổi về nhận thức này chính là tiền đề để trong một thời gian ngắn sau đó, nhiều đạo luật và quy định mới đã được ban hành ở Anh như Luật môi trường 1952, Đạo luật không khí sạch năm 1956 và 1968, trong đó có việc hạn chế sử dụng nhiên liệu bẩn trong công nghiệp và cấm các nhà máy nhả khói đen ra môi trường.
Bên cạnh đó, giới chức Anh cũng hỗ trợ tài chính để các hộ gia đình thay thế việc đốt than ngoài trời sang sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế khác nhằm giảm lượng khói thải ra.
Dù vào năm 1962 vẫn có 750 người thiệt mạng do sương mù nhưng bằng các nỗ lực trong việc hạn chế khí thải bằng các biện pháp phát triển hiện đại và việc thực thi nghiêm khắc các đạo luật về môi trường, tình hình không khí ở Anh đã được cải thiện đáng kể, sương mù đã không còn là một vấn đề nghiêm trọng ở London hiện nay.
Theo Pháp luật Plus