Dự án BRT ở Hà Nội: Những sai phạm giật mình

19/09/2018 09:36

Kinhte&Xahoi Qua thanh tra Hợp phần I - Xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư - Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

TTCP khẳng định, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng Dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Vi phạm pháp luật về đấu thầu

TTCP cho biết, tổng chiều dài tuyến BRT là 14,7 km từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng 20,7 triệu USD, thiết bị hơn 24 triệu USD, tư vấn đầu tư xây dựng và tư vấn dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật gần 7 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư cho BRT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án từ quý IV/2007 đến năm 2010 nhưng trên thực tế đến năm 2013, Hợp phần BRT mới khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và đến cuối năm 2016 mới được đưa vào hoạt động. Tổng giá trị nghiệm thu cho Hợp phần BRT hơn 706 tỷ đồng, tổng giá trị đã thanh toán 657,5 tỷ đồng.

Tuyến BRT có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng 20,7 triệu USD, thiết bị hơn 24 triệu USD… Ảnh: Lê Tiên.

Tại Kết luận thanh tra, TTCP khẳng định, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005.

Tại Gói thầu CP08 - Đoàn xe BRT (35 xe) do nhà thầu liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện, Chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, Điều 101 Luật Xây dựng 2014 về điều kiện được chỉ định thầu.

TTCP khẳng định, tại Gói thầu CP08, Chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của WB như: không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Trong Liên danh nhà thầu trúng thầu, Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện 75% (cung cấp 35 xe BRT) với số tiền hơn 171 tỷ đồng; Công ty CP Thiên Thành An thực hiện 25% công việc (cung cấp, lắp đặt thiết bị, kiểm tra xe, vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ) với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngoài số tiền theo hợp đồng, Thiên Thành An còn được hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của Ô tô Trường Hải cho Thiên Thành An để Thiên Thành An xuất bán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng. Đây là số tiền nằm trong 75% công việc của Ô tô Trường Hải được phân chia theo hợp đồng. Thiên Thành An cũng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với số tiền chênh lệch hơn 42 tỷ đồng này. 

Lãng phí cả chục tỷ đồng

TTCP cũng cho biết, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp của Hợp phần Dự án BRT (CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung. Tuy nhiên, Chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,33 tỷ đồng, vi phạm Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 6 Thông tư 04/2010/TT-BXD.

Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Chủ đầu tư cũng thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký hơn 0,2 tỷ đồng (hợp đồng theo đơn giá cố định), gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Tại Gói thầu CP4d - Trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã do nhà thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Long và Công ty CP Hồng Hà Việt Nam thực hiện thì chậm tiến độ 417 ngày, vi phạm Khoản 1 Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.

Tại hạng mục cừ, giằng chống tầng hầm của Gói thầu CP4d, Chủ đầu tư chấp thuận để lại 83 cây cừ Larsen với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, gây lãng phí ngân sách nhà nước… Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng thực hiện một số công việc không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,62 tỷ đồng như: bổ sung phần kết cấu thân, văn phòng kiến trúc, nhà chờ xe buýt; phát sinh công việc đắp cát bằng máy đầm cóc…

TTCP cũng cho biết, tại Gói thầu CP4a (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến), Gói thầu CP4b (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa), Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng. Việc thay thế mặt đường đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

 

Theo Báo Đấu thầu/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người phụ nữ phải cắt bỏ 5 ngón chân vì để cá rỉa trong spa

Theo Daily Mail hôm 13/9 đưa tin, Victoria Curthoys (29 tuổi), sống ở thành phố Perth, Úc, đi du lịch Thái Lan vào năm 2010. Khi đó cô có vào một tiệm spa và cho cá rỉa chân (một hình thức phổ biến tại một số spa địa phương) và không biết mình đã nhiễm vi khuẩn Shewanella.