Dự án du lịch sinh thái Thiên Đàng: Nhà đầu tư không tự nguyện chấm dứt hoạt động theo Luật Đầu tư 2020

03/11/2021 10:44

Kinhte&Xahoi Đây là nội dung được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành trong một văn bản mới đây.

Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng do Công ty TNHH Thiên Đàng làm chủ đầu tư, đến năm 2008 thì chuyển thành Công ty CP Thiên Đàng. Năm 2015, Công ty này sáp nhập với Công ty CP Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Nhà đầu tư), do ông Phạm Văn Hải làm đại diện.

Năm 2008, dự án được BQL Khu công nghiệp Dung Quất (sau này là BQL Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi - viết tắt là BQL) cấp giấy chứng nhận lần đầu vào 1/1/2005; điều chỉnh lần 1 vào ngày 9/10/2009.

Một góc dự án  Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Zing.vn ghi nhận năm 2018.

Sau khi đầu tư và đưa vào hoạt động giai đoạn I của dự án, do bị ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2009 nên nhiều hạng mục bị hư hỏng, nhà đầu tư đã tiến hành sửa chữa, đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình. Đối với giai đoạn II của dự án, nhà đầu tư chỉ triển khai thi công một số ít hạng mục theo quy hoạch được duyệt.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý, cho chủ trương điều chỉnh dự án; BQL yêu cầu đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương trình hồ sơ, thủ tục để làm cơ sở điều chỉnh dự án tuy nhiên nhà đầu tư không thực hiện cho đến khi tiến hành thanh tra toàn bộ dự án.

Văn bản của tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện dự án 16 năm qua, nhà đầu tư chỉ mới triển khai giai đoạn I và đưa vào hoạt động (2006 - 2007) với diện tích sử dụng 324/722,8m2; giai đoạn II triển khai bồi thường GPMB và xây dựng một số ít các hạng mục trên diện tích đất 741.043,3m2. 

Việc vi phạm tiến độ của nhà đầu tư kéo dài từ năm 2009 đến năm 2020, dù nhiều lần xử lý, giải quyết thủ tục điều chỉnh dự án nhưng đều không có kết quả, trong khoản thời gian đó BQL cũng không lập thủ tục xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 dẫn đến hệ quả là hiện nay, dù dự án tiếp tục vi phạm tiến độ đầu tư, nhưng căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 thì việc xử lý chấm dứt dự án càng khó khăn hơn.

Nhiều hạng mục xây dựng dang dở rồi bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: T.Trực báo Người lao động ghi nhận năm 2020.

Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng của nhà đầu tư theo giấy phép được duyệt, đều có sai phạm.

Đối với Khu Thiên Đàng Bốn Mùa, qua thanh tra cho thấy các hạng mục công trình Khu du lịch sinh thái Bốn Mùa không thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng nhưng BQLr không cấp phép xây dựng là không đúng quy định.

BQL phát hiện hành vi nhà đầu tư xây dựng các hạng mục không có trong mặt bằng tổng thể đã được chấp thuận nhưng không lập thủ tục xử lý, cũng không chuyển thông tin, hồ sơ vi phạm để đề nghị cấp thẩm quyền xem xét xử lý.

Trong khi đó, đối với Khu Thiên Đàng Mùa Hè và ba Khu Thiên Đàng mùa Đông, Mùa Thu, Mùa Xuân có tổng diện tích 402.717m2. Qua thanh tra cho thấy, việc nhà đầu tư thi công các hạng mục công trình (khu phố thương mại đặc sản địa phương, ép cọc một số hạng mục, khu biệt thự nghỉ dưỡng…) khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có Giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định, phê duyệt là không đúng theo đúng quy định tại khoản 1, điều 62 Luật số 16/2003/QH11, nay là điều 107 Luật Xây dựng năm 2013.

Cổng đón tiếp vào "Thiên đàng" bốn mùa tại Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng. Ảnh Zing.vn ghi nhận năm 2018

BQL đã kiểm tra, phát hiện vi phạm nhưng không chuyển thông tin, hồ sơ cho cấp thẩm quyền để xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định.

Để xảy ra vi phạm, tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu lên các nguyên nhân chủ quan và khách quan khi để dự án nảy sinh các vi phạm. “Dù đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện để giãn tiến độ, tuy nhiên nhà đầu tư chịu trách nhiệm chính đối với với các vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng trong quá trình thực hiện dự án đã được phát hiện qua thanh tra. 

BQL chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án…”, văn bản của tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ.

“Hiện nay nhà đầu tư không tự nguyện ngừng hoạt động của dự án theo quy định tại khoản 1, điều 47 của Luật Đầu tư năm 2020 và cũng không tự nguyện chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo khoản 1, điều 48 của Luật Đầu tư năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Bình Sơn, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành và Kết luận thanh tra này xem xét, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý, giải quyết đối với các tất cả các vấn đề phát sinh của dự án. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý”.

Về xử lý trách nhiệm, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi… tổ chức cuộc họp tập thể lãnh đạo BQL để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các sai phạm, khuyết điểm trong Kết luận thanh tra đã chỉ ra. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có sai sót, khuyết điểm theo Kết luận thanh tra này để rút kinh nghiệm, không để xảy ra sai sót tương tự trong tham mưu quản lý Nhà nước về dự án đầu tư trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số ca tử vong do COVID-19 vượt quá 5 triệu

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Hai đã kêu gọi công bằng vaccine và tiếp tục cảnh giác chống lại virus corona khi số ca tử vong do COVID-19 toàn cầu vượt quá 5 triệu.

Nhật Bản: Cứ 6 cuộc hôn nhân có một nhờ mai mối trực tuyến

Theo một cuộc khảo sát liên quan đến các hoạt động mai mối hôn nhân, tìm kiếm vợ/chồng thông qua công ty tư vấn hôn nhân, dịch vụ mai mối trực tuyến, các bữa tiệc và sự kiện ghép đôi Nhật Bản có tên gọi là konkatsu, trong số những người kết hôn ở Nhật Bản vào năm 2020, 16,5% đã gặp bạn đời của họ thông qua các dịch vụ này. Đây là mức tăng 3,5 điểm phần trăm so với năm trước và là mức cao kỷ lục trong năm thứ ba liên tiếp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-du-lich-sinh-thai-thien-dang-nha-dau-tu-khong-tu-nguyen-cham-dut-hoat-dong-theo-luat-dau-tu-2020-d169825.html