Tổng thống Putin đi bỏ phiếu hôm 1/7 ở Moscow. Ảnh: Kremlin
Số liệu từ Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) tính đến 7h sáng 2/7 (giờ Hà Nội) cho thấy 78.06% cử tri Nga đồng ý sửa đổi hiến pháp trong 97,03% số phiếu bầu đã được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/7, theo Ria Novosti.
CEC cho biết lượng cử chi đi bầu đạt 65%. Ria Novosti nói rằng tỷ lệ ủng hộ dành cho hiến pháp mới là khác nhau ở các địa phương.
Tại thủ đô Moscow, tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ sửa đổi hiến pháp là 65,9%, trong khi hơn 33% cử tri bỏ phiếu chống. Ở vùng Orlovskyi, số người ủng hộ lên đến hơn 80%. Tại vùng Astrakhan, số phiếu thuận đạt 86,7%, còn tại Cộng hoà Checchen, số phiếu thuận là 96,5%.
Kết quả này cho thấy các sửa đổi mới trong hiến pháp Nga đã chính thức được quá nửa dân chúng Nga chấp thuận và sẽ sớm có hiệu lực.
Hàng triệu cử tri Nga ngày 1/7 đã đi bỏ phiếu lựa chọn xem liệu họ có chấp thuận những đề xuất sửa đổi hiến pháp hay không. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thùng phiếu khắp nước Nga đã mở cửa từ hôm 25/6, trong khi người dân ở hai khu vực là Moscow và Nizhny Novgorod có thể lựa chọn cách bỏ phiếu qua mạng.
Người đứng đầu CEC Ella Pamfilova nói 4 điểm bỏ phiếu "có thể xảy ra bất thường", các phiếu bầu tại đây sẽ được kiểm lại. "Không có lý do nào để tin rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc trưng cầu, song chúng tôi sẽ đảm bảo mọi thứ chính xác nhất", Pamfilova nói.
Hoạt động kiểm phiếu ở Nga được giám sát bởi các quan sát viên, giới chức an ninh. Ảnh: ITN
Dự thảo hiến pháp mới của Nga, được xây dựng sau đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 1/2020, đã được thông qua bởi lưỡng viện quốc hội, tòa án hiến pháp và các nghị viện địa phương của Nga vào tháng 3 vừa qua.
Văn kiện này bao gồm 206 nội dung được sửa đổi so với hiến pháp cũ của Nga, sẽ điều chỉnh lại cán cân quyền lực của nước Nga như gia tăng quyền lực của quốc hội trong thành lập chính phủ; siết chặt vai trò của vị trí tổng thống; đồng thời thiết lập lại nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin về 0, tức mở đường cho ông tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa sau khi nhiệm kì hiện tại kết thúc vào năm 2024.
Trong thông điệp phát đi ngày 30/6, Tổng thống Putin kêu gọi người dân đi bỏ phiếu đầy đủ. Nhà lãnh đạo Nga cam kết những thay đổi tích cực sẽ xuất hiện trên nhiều lĩnh vực và người dân Nga sẽ có một chính quyền hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Tổng thống Putin mới đây cho biết ông không loại trừ khả năng ra tranh cử vào năm 2024 nếu được hiến pháp cho phép, nhưng ông chưa chính thức xác nhận chuyện này.
Putin lãnh đạo nước Nga từ cuối năm 1999, trải qua 4 nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng, được đánh giá là người có vai trò hạt nhân trong việc vực dậy nước Nga về kinh tế-xã hội, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Thiện Nhân