Gen Z và cuộc sống "nô lệ" với smartphone

06/12/2021 07:30

Kinhte&Xahoi Tiếp xúc với công nghệ và các thiết bị điện tử ngay từ nhỏ và lớn lên trong thời đại Internet bao phủ khắp nơi, Gen Z sử dụng phần lớn thời gian hằng ngày dùng các thiết bị điện tử, đặc biệt là smartphone để lướt mạng, sử dụng mạng xã hội, chơi game... Với sự thông dụng và tiện lợi của mình, smartphone đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người trẻ hiện đại.

Smartphone hay điện thoại thông minh đã trở thành một vật dụng cá nhân quan trọng, không thể tách rời đối với nhiều người trẻ. Nhờ điện thoại thông minh, họ chỉ mất vài giây để đăng tải những hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội để kết nối với bạn bè, cập nhật những hoạt động hằng ngày, chia sẻ những khoảnh khắc của cuộc sống hay bày tỏ quan điểm cá nhân. Chỉ với một vài cú chạm, họ có thể dễ dàng tìm thấy mọi không gian giải trí hay những thứ mình quan tâm trên Internet.

Điện thoại thông minh là một phần thiết yếu trong cuộc sống của nhiều người (Ảnh minh họa)

Theo thống kê từ Google, các hoạt động mà Gen Z yêu thích nhất khi sử dụng smartphone là đọc thông tin trên Facebook, nghe nhạc trực tuyến, tán gẫu với bạn bè bằng các ứng dụng chat, tìm kiếm và xem video trên Youtube, Netflix...

Tuy vậy, điều này đồng nghĩa với việc thời gian của Gen Z dành cho các hoạt động mang tính truyền thống và tương tác trực tiếp khác trở nên ít đi. Thống kê cũng chỉ ra rằng, các hoạt động như dành thời gian cho việc học, gia đình, bạn bè, đọc tin tức, giao lưu với mọi người hay các hoạt động bên ngoài luôn đứng ở các vị trí phía sau trong danh sách các hoạt động mà thế hệ Gen Z ưa thích.

Theo một khảo sát khác từ InfoQ trên 50.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14 – 17, họ đang sử dụng màn hình điện thoại, máy tính và máy tính bảng từ 7 giờ trở lên mỗi ngày, khiến những người này có nguy cơ trầm cảm và lo âu cao gấp 2 lần những ai chỉ xem 1 giờ mỗi ngày.

Điện thoại thông minh đang bó buộc cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là Gen Z

Đáng chú ý, nhiều thanh thiếu niên có thói quen “dán mắt” vào màn hình tivi, điện thoại, thiết bị công nghệ hơn 10 giờ mỗi ngày. Đây là những đối tượng thường dễ bị sao nhãng, kém ổn định về cảm xúc và khó tương tác, kết bạn trong cuộc đời thực.

Từng dành đến 17 tiếng một ngày không ngừng nghỉ để xem các video, lướt mạng xã hội…, Trần Thu Hoài (20 tuổi, sinh viên) cho biết, sử dụng điện thoại di động khiến cô thấy thoải mái hơn.

“Điện thoại trở thành vật bất ly thân, mình mang theo kể cả lúc ngồi bàn ăn đến lúc tắm rửa. Việc sử dụng điện thoại để lướt mạng xã hội hay Youtube cũng khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn sau vô vàn căng thẳng và áp lực mà mình đang gặp phải ở lứa tuổi này”, Thu Hoài nói.

Dù vậy, việc sử dụng smartphone và Internet quá nhiều dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và việc học tập của cô gái trẻ. Thu Hoài thường xuyên buồn ngủ và nổi cáu vô cớ với mọi người. Mỗi khi bạn bè tụ tập, Hoài và mọi người đều chúi mũi vào điện thoại, hiếm khi nói chuyện với nhau. Những vấn đề gặp phải trên khiến Hoài không ít lần cân nhắc từ bỏ điện thoại thông minh.

Lạm dụng điện thoại gây hại tới sức khỏe

Còn Vũ Bình (21 tuổi) thì cho biết, dù là khi đang học tập, làm việc hay đi chơi ở đâu, Bình luôn luôn để ý điện thoại của mình xem có thông báo hay mạng xã hội có gì “hot” không. Cứ được vài phút, Bình lại mở ra xem điện thoại một lần.

“Mình luôn sợ bỏ lỡ một điều gì đó vì điện thoại thông minh đang là công cụ giúp mình giải quyết nhiều vấn đề. Đó có thể chính là lý do mà mình không muốn rời mắt khỏi điện thoại. Ngoại trừ lúc ngủ ra thì nếu bình thường không đụng đến điện thoại trong vòng 30 phút chắc mình không chịu nổi mất”, Vũ Bình chia sẻ.

Điện thoại, các ứng dụng quảng cáo và mạng xã hội được kiến tạo nên để biến người dùng trở thành những “con nghiện”. Đó là mô hình kinh doanh của những nhà tạo lập ra chúng. Càng dành nhiều thời gian và sự chú ý cho chúng, họ càng thu thập được nhiều dữ liệu về người dùng để phục vụ cho quảng cáo và các chính sách thúc đẩy bán hàng khác. Gen Z chính là “miếng mồi béo bở” mà các nhà kinh doanh hướng tới.

Hãy sử dụng smartphone như một thiết bị giải trí thay vì trở thành "nô lệ" của chúng

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của điện thoại. Chúng thực sự giúp chúng ta đơn giản hoá nhiều việc trong cuộc sống bộn bề. Ở chiều ngược lại, smartphone đang lấy đi gian và cuộc sống thực tại của nhiều người, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Vì vậy, việc phân định thật rạch ròi, khi nào mình thực sự cần dùng điện thoại, khi nào không là thực sự quan trọng với những người đang sử dụng nó. Nếu việc sử dụng điện thoại chỉ đơn giản để giúp bạn đỡ cảm thấy ngượng ngùng, nhàm chán, hãy mạnh dạn từ bỏ. Hãy để điện thoại thông minh trở thành một người bạn giúp ta giữ liên lạc với người thân, bạn bè, công việc, tiếp cận thông tin, giải trí… thay vì trở thành “nô lệ” của món đồ công nghệ này.

 Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021 “soán ngôi” Paris

Từ vị trí thứ 5 vào năm ngoái, Tel Aviv (Israel) đã vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số Chi phí Sinh hoạt toàn cầu năm nay do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố mới đây. Như vậy, thành phố Châu Á này đã trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021.

Sẽ có vaccine chống lại Omicron trong vòng hai tháng?

Tiến sĩ John Campbell (Anh) thông báo tin tốt này khi đề cập đến những lo ngại về khả năng kháng vaccine của biến thể Omicron, biến thể mới được phát hiện có nguồn gốc từ miền Nam châu Phi đang làm thế giới "ngồi trên đống lửa".

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gen-z-va-cuoc-song-no-le-voi-smartphone-184779.html