Hà Nội: Bổ sung danh mục 379 dự án thu hồi đất năm 2022

06/07/2022 17:55

Kinhte&Xahoi Chiều 6/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn thành phố quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND TP.

Cụ thể, TP điều chỉnh giảm các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 35/NQ HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND TP như sau: 16 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 59,13ha và 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1,65ha.

Các đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua Nghị quyết

Điều chỉnh, bổ sung nội dung các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND TP như sau: Điều chỉnh tăng về quy mô, diện tích đất thu hồi tại 59 dự án với diện tích 48,85ha và diện tích đất trồng lúa tại 60 dự án với diện tích 63,2ha; Điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 7 dự án với diện tích 2,04ha và diện tích đất trồng lúa tại 1 dự án với diện tích 0,76ha.

HĐND TP cũng điều chỉnh tên dự án, đơn vị đăng ký, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi và đất trồng lúa) tại 21 dự án. Ngoài ra, bổ sung danh mục 379 dự án thu hồi đất năm 2022 và 185 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022.

Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở danh mục dự án được HĐND TP thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách TP được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách TP năm 2022 của HĐND TP; các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2022.

Theo Tờ trình của UBND TP, các dự án đủ hồ sơ pháp lý đã được thẩm định đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thời gian. Kết quả thu hồi đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia và địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án trong danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; chuyển đổi mục đích đất trồng lúa năm 2022 đã được HĐND TP thông qua còn chậm triển khai. Nguyên nhân là do một số quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn có sự chồng chéo, chuyển tiếp qua nhiều luật, nghị định nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài hơn dự án ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, dẫn đến một số dự án chậm hoàn thiện các thủ tục để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, do một số địa phương, đơn vị triển khai lập và thực hiện dự án còn chậm, công tác chuẩn bị đầu tư như lập và trình phê duyệt quy hoạch khu đất đấu giá còn chưa đảm bảo việc khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến chậm trong các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc chuẩn bị quỹ đất sạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ đấu giá còn do nhiều bất cập nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, cơ bản thống nhất tiêu chí, danh mục điều chỉnh, giảm, bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng năm 2022 như UBND TP đề xuất.

Các Ban HĐND TP đề nghị UBND TP bổ sung thông tin về hiệu lực, tiến độ của các dự án (còn hiệu lực), đặc biệt là toàn bộ các dự án vốn ngoài ngân sách, khẳng định đảm bảo chỉ đưa vào danh mục dự án đúng tiêu chí, quy định của pháp luật; Rà soát, làm rõ thẩm quyền, đúng tiêu chí đối với một số dự án đưa vào danh mục, đặc biệt là đối với các dự án có liên quan đến khu đô thị thông minh, khu sinh thái, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao và nhà ở; đơn vị tổ chức đăng ký. Rà soát đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của đại phương.

Đối với các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành nhanh các thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng nguyên tắc, tiêu chí, năng lực, kinh nghiệm nhằm triển khai thu hồi đất và thực hiện dự án có tính khả thi cao.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xu hướng không dùng tiền mặt trên thế giới

Công nghệ số hóa cũng như tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-bo-sung-danh-muc-379-du-an-thu-hoi-dat-nam-2022-200394.html