Hà Nội cơ bản hình thành phần cốt lõi của thành phố thông minh

17/12/2021 19:03

Kinhte&Xahoi Đó là chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại”, do Thành ủy, UBND TP Hà Nội phối hợp với tạp chí Cộng sản tổ chức, diễn ra sáng 17/12, tại Hà Nội.

4 điểm được thiết lập của Hà Nội

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến, là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, do đó, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô và những nền tảng mà Thành phố đã thiết lập.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi hội thảo.Ảnh: Phạm Hùng

Trong những năm qua, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, thông minh bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường, có thể kể đến ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Thành phố có những bước tiến trong quản lý, tạo nền tảng vững chắc; phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính cung ứng mức độ 3, 4; đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến của Thành phố lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ; hiện Thành phố đang tiếp tục yêu cầu rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đạt tỷ lệ 100% trong năm 2021.

 Toàn cảnh hội thảo.

Thứ hai, Hà Nội triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, sẵn sàng khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương từ năm 2020. Hiện tại, Hà Nội bắt đầu thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn Thành phố; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia theo quy định.

Thứ ba, Hà Nội tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc

xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông (như xử lý vi phạm, phân tích, điều khiển giao thông tự động qua hệ thống camera, quản lý đỗ xe qua ứng dụng iParking, số hoá dữ liệu cấp bằng lái xe,…); trong lĩnh vực y tế (như triển khai phần mềm quản lý hồ sơ người bệnh bằng bệnh án điện tử, quản lý viện phí, quản lý dược, quản lý xét nghiệm, kê đơn thuốc và điều trị ngoại trú, áp dụng mã vạch QR code, thẻ từ trong việc xác định người bệnh, triển khai ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”…); trong lĩnh vực giáo dục (dạy và học trực tuyến), trong lĩnh vực quản lý thuế và nhiều lĩnh vực khác.

Thứ tư, xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng tương lai xanh, là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng thông minh tích hợp với các sáng kiến xây dựng đô thị xanh.

Trong lĩnh vực sản xuất, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị, vừa tiệm cận với công nghệ thông minh, góp phần giảm thiểu những tác hại tiêu cực của quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường. Đến nay, Thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố (phấn đấu đến hết năm 2025, đạt tỷ lệ trên 70%).

Trong công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội là một trong những TP đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai, liên tục dữ liệu quan trắc môi trường tới người dân. Bên cạnh đó, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải ứng dụng công nghệ hiện đại, đốt rác phát điện giúp giảm tỷ lệ chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; vừa bổ sung năng lượng vào lưới điện quốc gia.

Thực hiện xanh hóa đô thị, Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống cây xanh; trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh; đồng thời, có nhiều mô hình kết nối, huy động hiệu quả người dân vào cuộc trong phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, triển khai nhiều “mô hình xanh” như cánh đồng hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, đoạn đường nông dân kiểu mẫu…

Tồn tại 5 hạn chế và thách thức

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội- TS Nguyễn Thị Tuyến cũng đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội còn những tồn tại, hạn chế và thách thức:

Một là, công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc sau 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) đứng thứ 2.

Hai là, nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ba là, quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của Thành phố diễn ra nhanh gây ra những áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai.

Bốn là, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Ứng dụng giao thông thông minh thiếu sự đồng bộ, chủ yếu tập trung vào các ứng dụng điều hành giao thông thông thường, mức độ tự động hóa chưa cao. Việc xử lý ngập úng, ùn tắc giao thông, quản lý chung cư còn nhiều thách thức.

Năm là, Nhiều vấn đề đặt ra trong giải quyết ô nhiễm môi trường, từ chất lượng không khí, nước sạch đến kiểm soát và xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm làng nghề chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2020, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, từ chỉ 30% dân số thế giới sống ở khu vực thành thị vào năm 1950, con số này tăng lên 56,2% vào năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng của khu vực châu Á từ chưa đến 20% vào năm 1950 lên 51% vào năm 2020.

Sự thay đổi này cho thấy, đô thị là nơi tập trung đông dân cư với mật độ cao, nơi diễn ra chủ yếu các hoạt động kinh tế - xã hội của phần lớn dân số thế giới và đang gây ra những áp lực không nhỏ cho bộ máy quản lý, không gian và môi trường sống, đồng thời là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thế giới còn phải đối mặt với những vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh toàn cầu, trong thời điểm hiện tại là đại dịch Covid-19.

Vì vậy, để giải quyết đồng thời các bài toán trên, chính sách phát triển bền vững buộc phải được đặt lên hàng đầu trong trọng tâm phát triển của đô thị; trong đó, phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại với những ưu điểm nổi trội dựa trên các yếu tố công nghệ đang trở thành xu hướng tất yếu ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn.

Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hoá đạt khoảng 40%, qua 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hoá mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song vẫn còn một số hạn chế, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng dẫn đến những tác động tiêu cực.

 Thương Huế - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô gái bay vòng quanh thế giới ở tuổi 19

Nữ phi công tuổi teen Zara Rutherford đã hạ cánh xuống Seoul cuối tuần vừa qua. Đây là chặng dừng chân đầu tiên ở Châu Á của cô trong nỗ lực trở thành người phụ nữ trẻ nhất bay vòng quanh thế giới một mình.

Omicron sẽ "châm ngòi" cho khủng hoảng vaccine mới?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại rằng các quốc gia giàu có "hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron" có thể đẩy mạnh việc tích trữ vaccine COVID-19 và "châm ngòi" cho sự căng thẳng nguồn cung một lần nữa, gây phức tạp thêm cho nỗ lực dập dịch toàn cầu.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-co-ban-hinh-thanh-phan-cot-loi-cua-thanh-pho-thong-minh-443897.html