Hà Nội còn gần 70% ô tô kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát

19/12/2021 17:57

Kinhte&Xahoi Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15/12, tỷ lệ xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát hành trình trên địa bàn thành phố mới đạt khoảng trên 30%.

Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội có 16.056 đơn vị kinh doanh vận tải. Tính đến hết ngày 15/12 (tức còn nửa tháng nữa là hết hạn), có 6.062 đơn vị với tổng cộng 11.032 phương tiện hoàn thành lắp đặt camera (chiếm 32% tổng số phương tiện). Như vậy, vẫn còn 23.289 phương tiện chưa lắp.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, tỷ lệ phương tiện đã lắp đặt camera của Hà Nội là cao so với mặt bằng chung của cả nước (nhiều địa phương mới đạt 10-30% theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam) song còn thấp so với yêu cầu.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe kinh doanh vận tải

Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giao các đội thanh tra giao thông vận tải phụ trách địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai lắp đặt camera giám sát trên phương tiện; Đồng thời xây dựng phương án kiểm tra, xử lý theo quy định.

Nguyên nhân các đơn vị kinh doanh vận tải chậm triển khai lắp đặt camera là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều doanh nghiệp chưa hoạt động ổn định trở lại. Đồng thời, một số doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi điều chỉnh của cơ quan chức năng về việc lùi thời hạn lắp camera.

Hôm 10/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục có văn bản đôn đốc lần 4 về việc lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải. Theo đó, các xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải được lắp đặt camera gồm xe vận tải hành khách có sức chứa từ 9 người trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Thời gian hoàn thành lắp đặt trước 31/12, quá thời hạn này, nếu đơn vị nào chưa hoàn thiện lắp đặt camera đồng nghĩa với việc phương tiện không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ xem xét, đề xuất tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính.

Các đơn vị khai thác bến xe ở Hà Nội cũng được giao nhiệm vụ tuyên truyền đến tài xế, chủ doanh nghiệp về việc lắp đặt camera. Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các phương tiện trước khi xuất bến và trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, thanh tra giao thông Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nội dung lắp camera trên xe, trước hết tập trung vào xe doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Kể từ 1/1/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm không lắp đặt camera

Nghị định 10/2020 quy định trước ngày 1/7, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Tiếp đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết 66 ngày 1/7, Chính phủ quyết định lùi thời hạn xử phạt hành chính đến hết ngày 31/12/2021 đối với xe kinh doanh vận tải chưa hoàn thành lắp camera. Kể từ ngày 1/1/2022, các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm.

Cả nước hiện có trên 200.000 phương tiện sẽ phải lắp camera theo Nghị định 10. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ không lùi thời hạn sau ngày 31/12. Đơn vị nào không lắp camera sẽ bị xử phạt nghiêm bởi trong bối cảnh hiện nay việc lắp đặt camera còn giúp quan chức năng giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị định 100 quy định

 Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa:

- Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).

- Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức:

- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).

- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

- Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 đến 3 tháng đối với xe vi phạm.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giới trẻ Châu Á chuộng hình thức mua trước, trả sau

Đối với anh Marcus Khoo (Singapore), nước hoa và máy khuếch tán tinh dầu chưa bao giờ nằm trong danh sách ưu tiên mua sắm. Chúng có thể vẫn ở trong giỏ hàng trực tuyến, nếu Khoo không được biết đến một dịch vụ trả góp có tên là Rely. Với dịch vụ này, Khoo có thể chia hóa đơn mua sắm trị giá 56 đô la Singapore (41 USD) của mình thành bốn lần trả góp, mỗi đợt kéo dài hai tuần và không bị tính lãi suất.

Bữa tiệc siêu lây nhiễm COVID-19

Ít nhất 97 người đã mắc COVID-19 tại một bữa tiệc khiêu vũ theo chủ đề ở Sydney, Australia, trong bối cảnh các ca nhiễm ở bang New South Wales đang tăng lên mức kỷ lục khiến đến các cơ sở y tế bị quá tải.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-con-gan-70-o-to-kinh-doanh-van-tai-chua-lap-camera-giam-sat-185960.html