Hà Nội: Đổi mới căn bản tư duy phát triển trong quy hoạch Thủ đô

16/08/2022 07:33

Kinhte&Xahoi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh nội dung công việc triển khai lập quy hoạch với mục tiêu hoàn thành trong năm 2023.

Cần tinh thần đổi mới, sáng tạo

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau.

Do đó, để hoàn thành bản quy hoạch với chất lượng đảm bảo đòi hỏi sự quyết tâm trong điều hành của chính quyền TP với nhiều yêu cầu đổi mới trong công tác quy hoạch của Thủ đô.

Hà Nội tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu đầu tiên phải xuất phát từ đổi mới căn bản tư duy phát triển, tránh “lối mòn” hay những quan điểm chung chung, thiếu rõ ràng. Đặc biệt, quan điểm phát triển phải thể hiện khát vọng của người Hà Nội, Thủ đô Hà Nội.

Theo TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, quan điểm về mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch Thủ đô cần tránh chung chung, ý tưởng phải bao quát nhưng xác định rõ ràng những vấn đề Hà Nội cần làm. Quan trọng là cần khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, làm rõ triết lý phát triển của Hà Nội, bố trí không gian phát triển. Hà Nội chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4, mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội nên rất cần được nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, với Quy hoạch Thủ đô lần này được lập theo hướng đồng bộ, nổi bật nhất là tích hợp, đa ngành, sẽ giải quyết hài hòa được 3 mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Đó là, làm rõ những định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và cuối cùng là việc tổ chức sắp xếp lại không gian.

Ba mục tiêu này được đề cập hài hòa trong cùng một bản quy hoạch chứ không tách biệt. Từ đó, thể hiện tầm nhìn và khẳng định vai trò vị thế của Thủ đô Hà Nội, là xây dựng TP phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), ngoài tinh thần đổi mới, sáng tạo, lập Quy hoạch Thủ đô cần xoay quanh từ khóa “đột phá” trong các công việc, từ đánh giá hiện trạng, giải quyết vấn đề tồn đọng, định hướng tương lai.

Trong các định hướng đã có rất nhiều quan điểm tốt đẹp về phát triển Thủ đô, thời điểm này nên chắt lọc những quan điểm đó để đưa vào bản quy hoạch. Trong đó, lưu ý vấn đề về khai thác, bảo tồn các di sản, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, an toàn… Đồng thời, phải triển khai phát triển không gian để Hà Nội phát triển theo hướng đặc trưng, duy nhất, không giống bất cứ TP nào trên thế giới.

Sự phối hợp còn hạn chế

Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đây là nhiệm vụ khó khăn, với khối lượng công việc đồ sộ, tuy nhiên theo UBND TP Hà Nội, hiện nay một số nội dung công việc triển khai còn chậm so với tiến độ. Điều này cho thấy sự tham gia và phối hợp của một số cơ quan, đơn vị liên quan với cơ quan được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu.

Để tiếp tục đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô, UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản số 2610/UBND-KTTH yêu cầu đơn vị, sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được phân công nhiệm vụ triển khai; đồng thời, lồng ghép các nội dung, tinh gọn thủ tục, rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô) tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung lớn, trọng yếu mang tính chiến lược, có tính bao trùm, tổng thể trên lĩnh vực: Kinh tế (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn), văn hóa - xã hội (văn hóa truyền thống đặc sắc Thăng Long – Hà Nội, an sinh xã hội)... để xây dựng khung định hướng Quy hoạch Thủ đô.

UBND TP giao Sở KH&ĐT tổng hợp, tham mưu, báo cáo thẩm định dự toán Quy hoạch Thủ đô; đồng thời, phối hợp Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tham mưu, báo cáo UBND TP việc bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác lập Quy hoạch Thu đã đảm bảo thời gian theo quy định; hoàn thành trước ngày 25/8/2022.

 Vũ Lê - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Viết lại DNA để chữa bệnh tim di truyền

Các nhà khoa học từ Vương quốc Anh, Mỹ và Singapore đang làm việc cùng nhau trong nhóm nghiên cứu CureHeart để phát triển một phương pháp chữa bệnh tim di truyền bằng cách viết lại DNA.

Link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-doi-moi-can-ban-tu-duy-phat-trien-trong-quy-hoach-thu-do.html