Hà Nội kiến nghị quy hoạch cảng hàng không thứ hai là cảng quốc tế

15/05/2023 15:58

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo, đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện Thủ đô Hà Nội mới có một cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314km2, cơ bản tương đồng với Vùng thành phố Hồ Chí Minh (quy mô dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400km2).

Tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đã định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho Vùng thành phố Hồ Chí Minh (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành, với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm).

Như vậy, Vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.

Do đó, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ hai Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai làm cơ sở để UBND thành phố cập nhật, bổ sung vào quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang triển khai bảo đảm thống nhất.

Được biết, tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định cảng hàng không thứ hai Thủ đô Hà Nội là cảng quốc nội.

 Lương Ninh Giang- Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Pakistan: Bên bờ vực vỡ nợ

Nhiều năm quản lý tài chính sai lầm và bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Pakistan đến bờ vực sụp đổ. Tình hình gần đây càng trầm trọng hơn bởi hậu quả của trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9-2022 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sự chậm trễ trong các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khiến dư luận lo ngại Pakistan sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng vỡ nợ.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1064284/ha-noi-kien-nghi-quy-hoach-cang-hang-khong-thu-hai-la-cang-quoc-te