Hà Nội lựa chọn phương án xây dựng ga C9 tránh ảnh hưởng di tích

23/03/2022 19:57

Kinhte&Xahoi Nhà ga C9 được nhận định sẽ phục vụ cho khu vực trung tâm TP bao gồm khu phố cổ, khu di tích hồ Hoàn Kiếm và các cơ quan, công sở, khu thương mại trung tâm.

Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ người dân, lại vừa tránh gây ảnh hưởng đến các khu di tích, Hà Nội đã cùng các bộ, ngành Trung ương thảo luận thống nhất 1 trong 3 phương án có tính khả thi.

Đảm bảo khoảng cách

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu - nhược điểm cụ thể của 3 phương án, vị trí mặt bằng đặt ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm, dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 23/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét thống nhất vị trí nhà ga C9.

Theo trao đổi thống nhất của bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất không đề xuất đối với phương án số 3 (phương án bỏ qua ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai) với lý do, không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội nghiên cứu tìm hướng giải quyết vị trí ga ngầm C9 của tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Đánh giá của UBND TP Hà Nội nhận định, phương án 1 ga sẽ giúp ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, hạn chế tối đa việc di dời cây xanh khi thi công nhà ga, đảm bảo cảnh quan, môi trường văn hóa và khu sinh thái khu vực di tích.

Theo phương án này, nhà ga được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng, tuyến hầm phải điều chỉnh kết cấu từ đi song song đồng mức sang đi xếp chồng, dẫn đến giảm phạm vi ảnh hưởng và thu hẹp hành lang tuyến. Lối lên xuống nhà ga cũng được bố trí hợp lý, hạn chế ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích.

Đồng thời đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, điểm đầu ga cách Tháp Bút khoảng 97m nên biện pháp thi công nhà ga được đảm bảo không tạo ra rung chấn, gây ảnh hưởng đến di tích.

Phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ VHTT&DL. Từ đánh giá nêu trên và ý kiến của đại diện các bộ, ngành Trung ương, UBND TP đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.

Vẫn còn băn khoăn

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan như Bộ VHTT&DL, GTVT, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về quy hoạch ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với 3 phương án có tính khả thi được xác định.

Phương án được lựa chọn ban đầu là phương án 2. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án này, phần cơ bản thân ga và cửa lên xuống số 3 lại nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời, chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ VHTT&DL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Vấn đề ở chỗ hướng tuyến  theo phương án 2 đã được đơn vị thiết kế khảo sát, lựa chọn kỹ, đáp ứng tiêu chuẩn về tốc độ tàu, bán kính đường cong tuyến... Nếu thay đổi sẽ kéo theo nhiều bài toán kỹ thuật, dẫn đến đội chi phí không cần thiết

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Xây dựng), việc dịch chuyển ga C9 theo phương án 1 sẽ cần điều chỉnh hướng tuyến, quy hoạch, trong đó có nội dung đòi hỏi thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, dễ khiến dự án đang chậm trễ mất thêm thời gian chờ đợi.

Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng nếu lựa chọn phương án số 1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sẽ cần thuê tư vấn thiết kế chi tiết nhà ga C9 (vì đã khác thiết kế ban đầu được duyệt), bổ sung nguồn vốn. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.

Sau đó, sẽ cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, TP Hà Nội sẽ thẩm định và phê duyệt lại rồi tổ chức đấu thầu xây lắp. Ước tính, thời gian để hoàn thành sớm nhất các thủ tục này mất khoảng 12 tháng.

Đồng thời, việc thay đổi phương án cũng ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu, ảnh hưởng đến năng lực vận tải hành khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan. Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi dự án vận hành khai thác là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn hành khách.

Phương án số 2 phát huy tốt nhất tính tiện lợi của tuyến đường, đảm bảo phục vụ hành khách là dân cư vùng nội đô, cũng như khách du lịch. Ga C9 cũng chính là điểm nhấn toàn tuyến khi nằm cạnh danh thắng Hồ Gươm, biểu tượng của Hà Nội với người dân cả nước” - Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình 

 Vũ Khoa - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trẻ em từng mắc COVID-19 có kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng

Theo kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Pediatrics, trẻ em từng mắc COVID-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng và tiêm vắc xin sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-Cov-2.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-lua-chon-phuong-an-xay-dung-ga-c9-tranh-anh-huong-di-tich.html