Hà Nội sẽ tập trung 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023

07/12/2022 13:17

Kinhte&Xahoi Năm 2023, Hà Nội quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào 3 khâu đột phá; Đặc biệt, tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công.

GRDP cả năm dự kiến tăng 8,89%

 Sáng 7/10, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Thành phố đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại kỳ họp

Trong đó, GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; Lũy kế 9 tháng năm 2022, GRDP tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,97%) và cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%.

TP đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; Thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; Hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo. TP đã thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng;…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực văn hóa và con người của Thủ đô. Các hoạt động văn hóa, lễ hội tiếp tục được tuyên truyền và triển khai có hiệu quả, đặc biệt công tác tổ chức SEA Games 31 của thành phố Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; Được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, tiếp tục khẳng định hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành ủy về việc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Sau khi HĐND TP quyết nghị thông qua, TP đã bố trí kế hoạch vốn để triển khai thực hiện 146 dự án đủ điều kiện triển khai trong những tháng đầu năm. Đến nay, ngân sách TP đã bố trí trên 11.400 tỷ đồng để thực hiện 668 dự án; Ngân sách cấp huyện bố trí 677 tỷ đồng để đối ứng các dự án được ngân sách TP hỗ trợ.

Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. TP có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các nhiệm vụ của năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kỷ cương hành chính có chuyển biến, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra; Chuyển đổi số còn chậm; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị quá tải, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu chậm tiến độ;...

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, TP vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: Đó là thiên tai, dịch bệnh; Áp lực lạm phát do khó khăn của nền kinh tế thế giới; Nguồn lực của TP có hạn nhưng phải đối mặt giải quyết các vấn đề nội tại như quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường... Với mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; Củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới, Hà Nội thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá.Trong đó chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND TP đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Đại biểu thông qua chương trình kỳ họp

Cụ thể, TP tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của TP; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá của từng ngành, từng lĩnh vực...

Thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; Phát triển các mô hình kinh tế mới; Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư.

TP thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư, xây dựng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; TP tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; …

TP cũng đẩy nhanh công tác quy hoạch. Phát triển hạ tầng số, kết cấu hạ tầng, đô thị; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khoảng 3/4 dân số toàn cầu sở hữu điện thoại di động

Đề cập đến việc kết nối toàn cầu trong sử dụng Internet và điện thoại di động trên toàn thế giới đến thời điểm này, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) báo cáo hiện có gần 3/4 dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên sở hữu điện thoại di động.

Chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD GDP của ASEAN

Mặc dù nền kinh tế số ASEAN đang bị coi là tụt hậu nhưng nếu áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới. Chuyển đổi số sẽ giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-se-tap-trung-3-khau-dot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-trong-nam-2023-212658.html