Hà Nội: Thiếu hụt đất sau dồn điền đổi thửa, dân kiện UBND xã

01/08/2018 14:48

Kinhte&Xahoi Sau dồn điền đổi thửa, người dân xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) “tá hỏa” khi chính quyền đem tất cả các diện tích đất nông nghiệp rủ rối và chia lại làm thiếu hụt diện tích so với sổ điền bạ.

Đất nông nghiệp “bốc hơi bất thường” khiến người dân bức xúc

Vài năm nay, việc dồn điền đổi thửa tại xã Tân Dân luôn là đề tài nóng, gây cho bà con nhiều bức xúc. Nguyên tắc dồn điền đổi thửa phải được cụ thể bằng văn bản, đề án của chính quyền ban hành xuống để hướng dẫn cấp xã, thôn thực hiện với mục đích mang lại sự công bằng cho người dân.

Vì thế, UBND huyện Sóc Sơn đã ra một Đề án số 178/ĐA – UBND ngày 11/12/2009 chỉ đạo rõ ràng các nguyên tắc khi dồn điền đổi thửa cho cấp dưới thực hiện. Vấn đề mà bà con bức xúc là khi triển khai Đề án đó tại xã, dường như chính quyền xã đã “lờ đi” các hướng dẫn này. Việc rủ rối, chia lại ruộng đất của UBND xã Tân Dân đã khiến nhiều hộ gia đình lâm vào tình trạng thiếu hụt hàng trăm m2 đất nông nghiệp so với sổ điền bạ đã được nhà nước giao trước đây.

Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội.

Gia đình ông Cao Văn Thục (thôn Ninh Cầm), năm 1998 được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.925m² đất nông nghiệp. Đến năm 2009, gia đình ông bị thu hồi 192m² đất để làm trường mầm non của xã, sau đó lại được chú ruột tặng 192m2 đất (Điều này đã được UBND xã Tân Dân chứng thực). Tuy nhiên sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình ông được xã giao thiếu 831 m2 đất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chải (thôn Ninh Cầm) có 2.920 m2 đất nông nghiệp theo sổ điền bạ (tương đương với 4 nhân khẩu). Trong quá trình sử dụng, 2 thửa đất của bà Chải ở Xứ đồng Chiêm và Táng Xe bị Nhà nước thu hồi 1.176 m2 để xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và xây dựng trường mầm non xã Tân Dân.

Ngoài ra, gia đình bà còn chuyển nhượng cho gia đình ông Đỗ Văn Thụ 60m2 đất nông nghiệp ở Xứ đồng Thềm Mọi (Việc trên đều có sự chúng kiến của chính quyền và không có tranh chấp). Như vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại của bà Chải là 1.684 m2.

Tại “biên bản xác nhận việc giao ruộng dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp” (không ghi ngày tháng) thể hiện UBND xã Tân Dân giao cho gia đình bà Chải 934 m2 đất bao gồm: Xứ đồng Vệ Chợ 453 m2; Xứ đồng Cây Châm 183 m2; Xứ đồng Non 172; Xứ đồng Dộc Xăm 126 m2. Nhưng khi UBND xã Tân Dân bàn giao thì gia đình bà Chải chỉ nhận được 808 m2 đất tại các Xứ đồng Vệ Chợ, Cây Châm, Non. Như vậy, sau dồn điền đổi thửa, gia đình bà Chải thiếu hụt 876.8 m2 đất.

Giải thích thắc mắc của người dân, UBND xã Tân Dân khẳng định làm theo nghị quyết của thôn. Tại các công văn trả lời đơn thư công dân như công văn số 121/ĐC-UBND ngày 22/10/2016; công văn số 49/UBND-TGQDDT ngày 31/5/2017… UBND xã Tân Dân đều khẳng định: phương án chia ruộng của thôn là sau khi quy hoạch đường, mương, nhà văn hóa, đất nghĩa trang, sân vận động thì tất cả các diện tích đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64/CP sẽ rủ rối và chia lại và tùy từng vị trí sẽ tính hệ số K tương ứng.

Với việc dồn điền dổi thửa theo cách làm của xã Tân Dân đã khiến nhiều người dân bức xúc. Họ bức xúc vì cách làm của các lãnh đạo xã đã khiến một phần lớn diện tích đất nông nghiệp của họ mà đã được Nhà nước cấp trước đây bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, có những hộ dân không đồng thuận với cách làm này của UBND xã đã tiến hành các thủ tục làm đơn kiện UBND xã ra tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn.

Công dân khởi kiện UBND xã, tòa án chậm trễ thụ lý

Đầu tháng 6/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn số 202/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trong công văn nêu rõ: Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra TAND. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc Luật tố tụng hành chính.

Trở lại câu chuyện người dân ở xã Tân Dân tiến hành khởi kiện UBND xã Tân Dân ra TAND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) có thể thấy là đi đúng theo khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, việc thụ lý giải quyết của TAND huyện Sóc Sơn lại đang vi phạm Luật Tố tụng hành chính. Điều này được bà Chử Phương Ngọc, thẩm phán TAND huyện Sóc Sơn thừa nhận.

Theo đó, ngày 12/12/2017, TAND huyện Sóc Sơn nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Lương (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) khởi kiện yêu cầu UBND xã Tân Dân trả lại cho gia đình ông 876.8 m2 đất sản xuất nông nghiệp còn thiếu sau khi dồn điền đổi thửa. Ngày 15/3/2018, TAND huyện Sóc Sơn có công văn số 02/2018/TA yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện.

Mặc dù ông Nguyễn Văn Lương đã hoàn thiện các yêu cầu của TAND huyện Sóc Sơn nhưng vụ kiện đến nay vẫn chưa được thụ lý.

Ngày 23/3/2018, ông Lương đã bổ sung đơn khởi kiện. Ngày 23/3/2018, TAND huyện Sóc Sơn lại có công văn yêu cầu ông Lương bổ sung đơn khởi kiện và ông Lương cũng đã hoàn thành theo đúng các yêu cầu của tòa. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, phía ông Lương vẫn chưa nhận thêm được phản hồi nào từ TAND huyện Sóc Sơn.

Trao đổi với PV, bà Chử Phương Ngọc, thẩm phán TAND huyện Sóc Sơn, người trực tiếp được giao nhiệm vụ giải quyết đơn khởi kiện của ông Lương cho biết: "Do công việc quá tải nên cho dù đã quá thời gian tiến hành thụ lý nhưng phía TAND huyện vẫn chưa thể tiến hành theo quy định được".

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ấn Độ: Nhức nhối nạn hiếp dâm trẻ em

Nạn hiếp dâm tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ nhì thế giới, đang ngày một gia tăng. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là trẻ em gái, đã trở thành những nạn nhân đáng thương của những cuộc tấn công bạo lực đầy đau xót. Thực trạng này đáng ngại đến mức báo chí thế giới từng gọi Ấn Độ là đất nước của “yêu râu xanh”.

ADN truy tìm “sát thủ giấu mặt” trong hàng loạt vụ trọng án

Trong lịch sử hình sự thế giới, luôn tồn tại một “khoảng trống”, nơi dành cho các vụ án phức tạp qua nhiều năm tháng vẫn chưa thể phá án. “Khoảng trống” này theo thời gian đã ít dần đi do có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ADN - một lĩnh vực tân tiến bậc nhất của khoa học hình sự. Công nghệ này đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận diện tội phạm, thực thi công lý và trả lại công bằng cho nạn nhân.