Hà Nội: "Vùng cam" cấm ăn uống tại chỗ, nhiều người chạy sang “vùng vàng”

18/01/2022 10:07

Kinhte&Xahoi Hiện Hà Nội đang đánh giá cấp độ dịch theo từng quận, huyện trên địa bàn thành phố. Việc làm này góp phần kiểm soát dịch linh hoạt, thích ứng với từng cấp độ dịch song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng bởi xuất hiện tình trạng người dân ở các “vùng cam” di chuyển sang "vùng vàng" để được phục vụ ăn uống tại quán.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, kết quả đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn cho thấy có 7 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam) giảm một đơn vị so với tuần trước. Đó là các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm.

Thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Số quận huyện và xã phường ở cấp độ 2 đều tăng, lần lượt là 23 quận, huyện và 367 xã, phường.

Toàn thành phố không có địa bàn nào ở cấp 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ) nhưng cũng không còn quận, huyện nào cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh). Hai huyện cấp độ 1 tuần trước là Phúc Thọ và Phú Xuyên đã tăng lên cấp độ 2. Tuy nhiên, nhiều ngày qua số ca mắc mới ở Hà Nội tiệm cận 3.000 và phân bố ở tất cả 30 quận, huyện.

Hiện, Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần. Trong một tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam" hoặc ngược lại. Theo đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các quận huyện này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.

Việc một số quận "vùng cam" có quy định cấm hàng quán phục vụ tại chỗ sẽ khiến cho người dân di chuyển sang các "vùng vàng" để ăn uống

Chị Vũ Phương Liên, chủ một quán ăn trên phố Bát Đàn, phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Cứ đến cuối tuần là tôi lại "thấp thỏm" theo dõi xếp loại cấp độ dịch.

Theo chị Liên, khi chưa có quy định phân vùng vàng, cam, đỏ, hàng quán chỉ được bán mang về, dù có khó khăn nhưng là tình trạng chung nên lượng khách cũng phân bố đều. Hiện giờ, khách của những quán ăn uống bị cấm phục vụ tại chỗ lại đổ xô đến những quán không bị cấm.

Nhiều chủ cửa hàng ở Hà Nội cũng cho rằng, thành phố chỉ cần ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn và nhận 50% khách, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ thì sẽ hiệu quả hơn.

Quan trọng vẫn là ý thức của người dân

 PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng, việc cấm ăn uống tại chỗ chỉ giúp dễ truy vết chứ không thể cấm người dân dừng đi làm và di chuyển giữa các quận.

"Việc cấm bán hàng theo địa giới hành chính như hiện tại không có tác dụng, bởi cấm ở quận này, người dân lại sang quận khác để ăn uống hoặc tụ tập ở nhà, tiềm ẩn nguy cơ lây lan", ông nói.

Bạn Vũ Tấn Lộc, 26 tuổi, ở quận Hoàng Mai là shipper. Công việc khiến anh thường xuyên phải "cơm hàng, cháo chợ". Hàng ngày, Lộc ăn cơm ở quận Hai Bà Trưng nhưng từ khi có “lệnh” cấm các hàng, quán ăn tại quận Hai Bà Trưng phục vụ tại chỗ nên anh phải sang quận Hoàn Kiếm. Ăn được vài ngày, Hoàn Kiếm chỉ cho bán mang về từ trưa 26/12, Lộc lại sang quận Ba Đình. Vừa ăn được một bữa, Ba Đình lại ra chỉ thị dừng ăn tại chỗ từ trưa 27/12.

"Tìm hàng ăn như đi chạy loạn, cấm quận này tôi lại sang quận khác, cứ như đi sơ tán. Tôi cũng từng tính chuyện mua cơm ra công viên hoặc vỉa hè ngồi ăn nhưng lại lo sợ có thể bị phạt hai triệu đồng vì không đeo khẩu trang nơi công cộng, còn về nhà tự nấu lại quá xa”, Lộc tâm sự.

Bản chất của việc chống dịch là tăng cường giám sát việc tuân thủ 5K của người dân, chủ cửa hàng

Còn đối với Trần Hoàng Anh, 25 tuổi, ở đường Láng, quận Đống Đa thì tự thấy mình là "số ít người may mắn nhất Hà Nội" khi sống giáp hai quận. Khi hàng quán trên đường Láng chỉ bán mang về, cô chỉ cần đi bộ chừng 200m sang đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy để được ngồi ăn tại chỗ.

Để người dân có chỗ ăn, người bán hàng có nguồn thu, một số chủ quán đề xuất, cơ quan chức năng có thể ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn, chỉ nhận 50% khách, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng bản chất của việc chống dịch là tăng cường giám sát việc tuân thủ 5K của người dân, chủ cửa hàng và đơn vị quản lý, thay vì phân theo địa giới hành chính cấp quận.

Thủ đô là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất cả nước. Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều là 98,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu 70%); Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc xin là 95,1% (đạt tỷ lệ tối thiểu 80%). Tuy nhiên, dù có thực hiện biện pháp gì đi chăng nữa thì hiệu quả phòng chống dịch cao nhất vẫn chính là ý thức của người dân. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K và nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những hoạt động làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Theo nghiên cứu của nhóm cố vấn khoa học trong các tình huống khẩn cấp (SAGE) của Chính phủ Anh công bố mới đây, đi mua sắm thường xuyên, sử dụng phương tiện công cộng và đến không gian trong nhà đông người là những hoạt động gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Cố tình nhiễm Omicron: Khôn hay dại?

Các bác sĩ cho biết có một xu hướng nguy hiểm là những người cố tình lây nhiễm biến thể Omicron để có được kháng thể nhằm chống lại COVID-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vung-cam-cam-an-uong-tai-cho-nhieu-nguoi-chay-sang-vung-vang-188222.html