Tại phiên họp ngày 1/4, Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ 4 đề xuất thay thế về Brexit. (Ảnh: NHK)
Việc tiến hành bỏ phiếu về 4 đề xuất lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Brexit của chính phủ được xem là một nỗ lực mới nhất của các nhà lập pháp Anh nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit, đồng thời tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận trước thời hạn chót mới do EU đưa ra vào ngày 12/4 tới, sau khi Quốc hội lần thứ 3 bác bỏ bản thỏa thuận Brexit dài 585 trang do Thủ tướng Theresa May đưa ra vào cuối tuần trước.
Các đề xuất thay thế được bỏ phiếu vào tối 1/4 do Chủ tịch Hạ viện John Bercow chọn gồm: Đàm phán về việc thành lập một liên minh thuế quan thường trực với EU (273 phiếu thuận và 276 phiếu chống); Trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit (280 phiếu thuận và 292 phiếu chống); Cho phép Quốc hội quyền ngăn chặn kịch bản "ly hôn" không thỏa thuận (191 phiếu thuận và 292 phiếu chống); Chấp thuận đề xuất Brexit của Thủ tướng Theresa May đi kèm theo điều kiện đàm phán về thị trường đơn lẻ và mối quan hệ hải quan với EU trong tương lai (271 phiếu thuận và 282 phiếu chống).
Theo quy định, việc đưa ra các đề xuất thay thế cho thỏa thuận Brexit không mang tính chất ràng buộc về pháp lý mà chỉ có thể gây sức ép để buộc chính phủ chấp thuận một phương án mới trong trường hợp giành được số phiếu ủng hộ áp đảo từ các nghị sỹ Anh.
Việc cả 4 phương án thay thế cho thỏa thuận Brexit của chính phủ đều bị Hạ viện bác bỏ trong phiên bỏ phiếu ngày 1/4 đã khiến nghị sỹ Nick Boles của phe Bảo thủ – người đã nêu đề xuất về thành lập thị trường đơn lẻ và liên minh hải quan mới với EU đứng trước sức ép rút khỏi đảng cầm quyền. 4 phương án thay thế trên được đưa ra dựa trên cơ sở của 8 đề xuất đã bị Quốc hội Anh bác bỏ vào tuần trước.
“Tôi thừa nhận rằng tôi đã thất bại. Tôi đã thất bại chủ yếu là do các thành viên trong đảng của tôi đã từ chối thỏa hiệp. Tôi rất lấy làm tiếc khi phải tuyên bố rằng tôi sẽ không tiếp tục đứng trong hàng ngũ của đảng cầm quyền” – ông Boles nói.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu tại Hạ viện, Bộ trưởng Brexit của Anh Steve Barclay đã đề cập tới khả năng chính phủ sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội tiến hành cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 về thỏa thuận Brexit trong tuần này để tránh kéo dài sự trì hoãn về Brexit.
Theo quan điểm của ông Barclay thì hiện Anh đang đứng trước một tình huống pháp lý mặc định nhằm rời khỏi EU trong vòng 11 ngày tới mà không đi kèm theo thỏa thuận. Nội các Anh sẽ triệu tập phiên họp để thảo luận về kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện cũng như các biện pháp tiếp theo. Ông Barclay cho rằng, hiện phương án duy nhất đối với nước Anh là thông qua một thỏa thuận và rời khỏi EU vào ngày 12/4 như kế hoạch đã đưa ra.
Được biết, hiện lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đang đề nghị Quốc hội Anh tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 3/4 để các nghị sỹ nước này có thể đưa ra các đề xuất mới về Brexit. Trong khi đó, kết quả bỏ phiếu mới nhất tại Hạ viện đã làm dấy lên những phản ứng “thiếu lạc quan” từ phía châu Âu. Thậm chí nhiều chính trị gia Anh vốn theo đuổi 2 trường phái đối lập về Brexit cũng đã xích lại gần nhau hơn trước nhận định về khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận.
Trước đó, ngày 31/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo sự kiên nhẫn của EU đang dần cạn kiệt và kêu gọi Quốc hội Anh nhanh chóng đạt được thỏa thuận về kế hoạch Brexit. Hiện Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn vào ngày 10/4 tới để đưa ra các biện pháp ứng phó cần thiết./.
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam/Phapluatplus