Hàng giả "ngập" chợ online

29/11/2020 17:18

Kinhte&Xahoi Việc kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều đối tượng đã lợi dụng bán hàng online để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra, xử lý.

Tình trạng người tiêu dùng online mua phải hàng giả ngày một tăng cao. Ảnh: Công Hùng

“Ma trận” hàng giả trên mạng

 Lướt Facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những livestream bán hàng của các shop thời trang quần áo, túi xách, mỹ phẩm, sữa nhập ngoại… với những lời quảng cáo có đầy đủ tem, mác, full box… Dù sản phẩm được niêm yết giá lên đến tiền triệu nhưng chủ shop sẵn sàng sale “sốc”, "tri ân khách hàng" với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng để "lấy tương tác"...

Chị Nguyễn Thu Quỳnh, từng tham gia bán hàng thời trang tại Hà Nội cho một chủ shop trên Facebook, chia sẻ: Công việc hàng ngày của chị và các nhân viên tại shop khá đơn giản. Hàng thời trang có nhãn mác của Trung Quốc được chủ shop yêu cầu cắt mác, đồng thời, gắn mác hàng Nhật vào sản phẩm. Vì chạy quảng cáo trên Facebook nên shop có rất nhiều đơn hàng được đặt, nhân viên chỉ việc nghe điện thoại, kiểm tra các đơn đặt hàng trên Facebook để đóng gói sản phẩm gửi đi. Mỗi ngày có hàng trăm đơn hàng, chủ shop sử dụng dịch vụ ship COD (dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ) nên tiền trực tiếp đổ về tài khoản chủ shop hàng ngày. Có những mặt hàng có lãi gấp 5 - 10 lần giá nhập nên tiền lãi mỗi tháng lên đến 300 - 400 triệu đồng.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, việc mua sắm của con người ngày càng trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của mảng này năm nay sẽ duy trì ở mức trên 30% và quy mô tại Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Với sự phát triển mạnh mẽ này, rõ ràng thương mại điện tử đang là phương thức mua sắm nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi ở nhà, trước máy vi tính hay điện thoại thông minh là có thể đặt hàng mua bất kỳ hàng hóa gì qua các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Sendo, Shopee... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có nguy cơ khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Sàn thương mại điện tử Sendo hiện đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo. Đồng thời, sàn này cho biết sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng, truyền thông để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch. Đối với Lazada, sàn này cho biết, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả, kém chất lượng, sàn sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng. Trong khi đó, phía Shopee chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm. Người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác; đồng thời, có cơ chế trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan chức năng và các nhãn hàng. “Chúng tôi luôn có hành động cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có cơ sở đối với hành vi rao bán hàng giả, nhái trên Shopee như khóa sản phẩm vi phạm, khóa vĩnh viễn tài khoản hoặc báo cáo cơ quan chức năng, tùy mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể” - đại diện Shopee thông tin.

Có thể xử lý hình sự nếu phát hiện vi phạm

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng internet bao gồm cả bán buôn và bán lẻ, trong đó có hình thức bán hàng thông qua việc livestream rất thịnh hành thời gian gần đây.

Trong khi đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, điểm mấu chốt để ngăn chặn hàng giả, nhái, chống thất thu thuế là phải minh bạch được thông tin của sản phẩm, bao gồm như nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn… Một trong những điều Nghị định 52/2013/NĐ-CP sắp tới phải sửa là phải quy định về nhãn hiệu, thông tin sản phẩm trong việc bán hàng thương mại điện tử. Đây là một trong phần trống mà ban soạn thảo sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập trên mạng trong thời gian qua thực sự đang báo động. Thực trạng này bắt nguồn từ một bộ phận thương nhân làm ăn bất chính, bất chấp pháp luật để kinh doanh hàng giả thu lợi lớn. Bên cạnh đó, khá nhiều người tiêu dùng thích dùng hàng giả các thương hiệu nổi tiếng với giá cả thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả tràn lan trên mạng. Để từng bước đầy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả trên mạng cần có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước và từ người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý như Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Cơ quan hải quan... tiến hành thanh tra, kiểm tra các cá nhân, công ty bán hàng trên mạng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái để kiếm lời, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời, các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền pháp luật về xử lý việc bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho người dân biết để thực hiện. "Đối với người tiêu dùng, cần thay đổi việc sử dụng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi sử dụng hàng nhái, hàng giả mà vẫn biết, vẫn mua là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính. Với các giải pháp đồng bộ như vậy, tôi tin chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi được tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng" - luật sư Nguyễn Hữu Toại chia sẻ.

 Đến nay, các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã tháo gỡ được hơn 34.000 sản phẩm của 17.000 gian hàng có vi phạm, đồng thời cấm vĩnh viễn bán hàng đối với các gian hàng này.

Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Trong đó, DN cần bảo vệ chính mình, hãy là DN thông minh và có trách nhiệm, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là của các cơ quan thực thi pháp luật. Cùng đó, DN phải chú ý thực hiện việc bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ các sáng chế của mình, bởi khi có tranh chấp xảy ra, các DN có sản phẩm sở trí tuệ được bảo hộ sẽ có căn cứ pháp lý tốt hơn trong việc các cơ quan tài phán đưa ra phán quyết hợp pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN. Còn đối với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Thái San - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bức màn bí mật đằng sau nghề mại dâm cao cấp ở Singapore

Trong suốt 5 năm hành nghề mại dâm cao cấp đã dạy cho cô sinh viên 24 tuổi Ashley Chan (không phải tên thật), vài nguyên tắc sống còn như cách giữ bí mật công việc, hay lý do không bao giờ được yêu khách hàng. Nhưng chính cái nghề này cũng đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn cô.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/hang-gia-ngap-cho-online-402857.html