Hàng loạt doanh nghiệp thuộc “họ” Sông Đà nợ bảo hiểm xã hội

19/11/2023 09:25

Kinhte&Xahoi Nhiều Công ty con của Tổng Công ty Sông Đà-CTCP xuất hiện trong danh sách chậm đóng bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội (tính đến hết 31/10/2023).

Loạt Công ty “họ” Sông Đà nợ bảo hiểm xã hội

Tổng công ty Sông Đà - CTCP, tiền thân Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1961 (Quyết định số 214/TTg ngày 01/06/1961 của Phủ Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà).

Ngày 26/03/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần. Tổng Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty CP do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp, đăng ký thay đổi lần thứ 06 ngày 06/04/2018 với vốn điều lệ là 4.495.371.120.000 VND.

Tổng công ty Sông Đà - CTCP cũng được biết đến là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, như Thủy điện Sơn La (2.400MW) – dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, thủy điện Hòa Bình (1.920MW) – dự án nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam, thủy điện Lai Châu (1.200MW), Thủy điện Huội Quảng (520MW)… và là nhà thầu EPC của một số dự án khác như Tuyên Quang (324MW), Sesan 3 (260 MW)… Công ty chiếm tới 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, trở thành nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Tính đến hết quý 3/2023, Tổng công ty Sông Đà - CTCP có 12 công ty con chịu sự kiểm soát của Công ty mẹ trực tiếp và 7 Công ty do Công ty con kiểm soát trực tiếp, đóng góp không nhỏ vào hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty.

Cụ thể, trong quý 3/2023, Tổng công ty Sông Đà – CTCP ghi nhận lợi nhuận sau thuế là trên 227 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là hơn 65,7 tỷ đồng (chiếm gần 29%), lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là hơn 162 tỷ đồng (chiếm 61%).

Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu Sông Đà, không ít các Công ty con trong đó đã gặp phải tình trạng khó khăn về tài chính, bị truy thu thuế… và thậm chí là nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, nhiều lần bị các cơ quan chức năng nhắc nhở.

Mới đây nhất, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) trên địa bàn – tính đến hết 31/10/2023.

Trong đó, phải kể đến các Công ty con do Tổng công ty Sông Đà – CTCP đầu tư trực tiếp như: CTCP Sông Đà 4 (Tầng 3, toà nhà TM, KĐT Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội) nợ 49 tháng với số tiền hơn 5,12 tỷ đồng; CTCP Sông Đà 6 (Nhà TM, Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội) nợ 41 tháng với số tiền 21 tỷ đồng, CTCP Sông Đà 9 (Tòa nhà Sông Đà 9, đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nợ 6 tháng với số tiền hơn 669 triệu đồng… Hay một trường hợp khác đó là CTCP Sông Đà 2 - thuộc danh mục Công ty liên danh liên kết với Tổng công ty Sông Đà – CTCP (KM 10, đường Nguyễn Trãi, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) nợ 1 tháng với số tiền hơn 113,5 triệu đồng.

Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng BHXH. Căn cứ theo Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3/2020 quy định:

“4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.”

Những doanh nghiệp “họ” Sông Đà nợ bảo hiểm xã hội kinh doanh ra sao?

Ảnh minh họa. (Nguồn: songda4.com)

CTCP Sông Đà 4 (Mã UPCoM: SD4) đang nợ 49 tháng, với số tiền hơn 5,12 tỷ đồng - theo danh sách của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.

Tại thời điểm 30/9/2023, Tổng Công ty Sông Đà – CTCP có tỷ lệ lợi ích tại CTCP Sông Đà 4 là 65%.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2023, Sông Đà 4 ghi nhận doanh thu thuần hơn 118 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tăng mạnh, Công ty chỉ ghi lợi nhuận gộp còn 4,7 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty báo lỗ từ hoạt động kinh doanh lên đến 9,3 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Kết quả, trong quý 3/2023, CTCP Sông Đà 4 ghi nhận lợi nhuận sau thuế là âm 13,6 tỷ đồng, khoản lỗ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng của năm 2023, CTCP Sông Đà 4 ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 41,2 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm 30/9/2023, CTCP Sông Đà 4 ghi nhận nợ phải trả là 872 tỷ đồng, cao gấp 6,7 lần vốn chủ sở hữu Công ty (129,2 tỷ đồng). Đáng chú ý, Công ty cũng ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý 3/2023 là 23,2 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Thương trường)

CTCP Sông Đà 6 (Mã HNX: SD6) đang nợ 41 tháng, với số tiền hơn 21 tỷ đồng - theo danh sách của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.

Tại thời điểm 30/9/2023, Tổng Công ty Sông Đà – CTCP có tỷ lệ lợi ích tại CTCP Sông Đà 6 là 65%.

Tình hình kinh doanh của Sông Đà 6 không mấy sáng sủa trong những năm gần đây. Hiện tại, Cổ phiếu SD 6 của CTCP Sông Đà 6 cũng đang nằm trong danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ với nguyên nhân lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm trên BCTC bán niên năm 2023 được soát xét là số âm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 là số âm.

Ngoài ra, cổ phiếu SD6 của CTCP Sông Đà 6 cũng là chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo.

Về kết quả kinh doanh trong quý 3/2023, CTCP Sông Đà 6 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 44,9 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, giá vốn bán hàng lên đến 66,2 tỷ đồng, vượt quá doanh thu và khiến cho lợi nhuận gộp của SD6 âm 21,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc chi phí tài chính tăng vọt từ 2,7 tỷ đồng lên 14,1 tỷ đồng trong quý 3/2023 đã khiến cho Công ty ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là âm hơn 40,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, CTCP Sông Đà 6 lỗ gần 40,6 tỷ đồng trong quý 3/2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 206 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Sông Đà 6 ghi nhận doanh thu chỉ vỏn vẹn là 98,4 tỷ đồng, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, khoản lỗ sau thuế của Công ty đã lên tới 75 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ lỗ 2,48 tỷ đồng).

Ở thời điểm 30/9/2023, CTCP Sông Đà 6 ghi nhận tổng tài sản là 1.170 tỷ đồng, giảm 115 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, Công ty ghi nhận tổng nợ phải trả là hơn 812 tỷ đồng, cao gấp 2,27 lần vốn chủ ở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là trên 205 tỷ đồng, tăng gần 23 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Tại thời điểm 30/9/2023, CTCP Sông Đà 6 có vốn chủ sở hữu là 357 tỷ đồng, giảm 75 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, Công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý 3/2023 là trên 98 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: songda9.com)

CTCP Sông Đà 9 (Mã HNX: SD9) nợ 6 tháng với số tiền hơn 669 triệu đồng- theo danh sách của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội.

Tại thời điểm 30/9/2023, Tổng Công ty Sông Đà – CTCP có tỷ lệ lợi ích tại CTCP Sông Đà 9 là 58,5%.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2023, CTCP Sông Đà 9 ghi nhận doanh thu thuần hơn 117 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng giảm nhanh hơn, Công ty chỉ ghi lợi nhuận gộp đạt 44,3 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty báo lãi từ hoạt động kinh doanh lên đến 9,3 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, trong quý 3/2023, Sông Đà 9 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 16 tỷ đồng, cao gấp 2,38 lần cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng của năm 2023, CTCP Sông Đà 9 ghi nhận doanh thu đạt 278 tỷ đồng, giảm 33% so với 9 tháng của năm 2022;

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng đạt 30,3 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/9/2023, CTCP Sông Đà 9 ghi nhận nợ phải trả là 1.169 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu (833 tỷ đồng)

Lê Hải - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ủy ban châu Âu hạ triển vọng tăng trưởng vì nền kinh tế mất đà

Ngày 15-11, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ triển vọng tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay và năm 2024, đồng thời cho biết nền kinh tế “đã mất đà” do lạm phát đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và lãi suất ngân hàng trung ương cao hơn, ngăn cản việc vay mượn để mua hàng, đầu tư.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/hang-loat-doanh-nghiep-thuoc-ho-song-da-no-bao-hiem-xa-hoi-d201035.html