Hàng loạt ngư dân Quảng Ninh đỗ nghỉ do giá nhiên liệu tăng

14/03/2022 15:32

Kinhte&Xahoi Sau khi giá dầu lên chạm mốc 25.268 đồng/ lít, hàng loạt các tàu đánh bắt thủy hải sản tại Quảng Ninh sau khi cập bến chuyến biển gần như nằm bờ, bên cạnh đó một số tàu cá vẫn ra khơi bám biển, cố gắng bám trụ.

Giá nhiên liệu liên tục tăng, hầu hết các ngành nghề đều ảnh hưởng, người dân gặp khó khăn. Trong số đó nghề đánh bắt hải sản chịu nhiều tác động nặng nề. Tại tỉnh Quảng Ninh hàng loạt tàu cá dừng nghỉ do giá dầu diesel chạm mốc 25.268 đồng/lít vào ngày 11/3 vừa qua.

Giá xăng dầu lên cao nhưng giá bán hải sản lại thấp hơn so với trước tết nguyên đán khiến càng đi càng lỗ, nên các chủ tàu quyết định neo đậu một chỗ dừng nghỉ.

Ghi nhận của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, tại các bến cá lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như Cái Rồng (Vân Đồn), Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long bên cạnh một số tàu cá vẫn ra khơi bám biển, cố gắng bám trụ thì cũng có hạng loạt tàu dừng nghỉ.

Anh Nguyễn Văn Thành chủ tàu QN/90082/TS, thị xã Quảng Yên cho biết, sau chuyến biển 4 ngày vừa rồi tàu anh bị lỗ, không có tiền công trả cho anh em, vì giá dầu tăng, các chi phí khác phục vụ chuyến đánh bắt cũng tăng cao nhưng giá bán hải sản lại thấp hơn so với trước tết nguyên đán. Hiện các chi phí đã đội lên từ 35-45%, càng đi càng lỗ. Nên hiện tàu anh vẫn đỗ nghỉ tại bến và chưa có kế hoạch ra khơi trở lại.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển ông Nguyễn Hữu Tính chủ tàu QN- 90302 TS tâm sự chưa bao giờ ông và ngư dân đối mặt với những khó khăn "kép" như lần này.

Theo tính toán của ngư dân, với tàu dài dưới 15m, mỗi chuyến đi biển dưới khoảng 4 ngày tiêu hao khoảng 1.000 lít, xấp xỉ 26 triệu đồng/chuyến, chưa kể tiền đá lạnh, lương thực, công lương nhân viên, nhưng mỗi chuyến thu về chưa đạt 30 triệu đồng.

Chung tâm trạng với anh Thành, hiện có nhiều chủ tàu chia sẻ với tình hình giá dầu tăng như hiện nay nhiều tàu không thể có đủ kinh phí để ra khơi, chưa kể có những tàu phải vay mượn, thậm chí là vay lãi cao để trang trải chi phí. Đã có nhiều tàu cá phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chịu lỗ để giữ nhân công và tránh cho tàu cá khỏi bị hư hỏng. Nguy cơ thất nghiệp của các ngư dân ngày càng cao.

Các tàu sau khi cập bến chuyến biển gần như nằm bờ, hàng hóa dần khan hơn.

Anh Phùng Hoàn, một tiểu thương thu mua hải sản ở chợ Hạ Long 1 cho biết, thời điểm hiện nay giá hải sản thu mua rẻ hơn trong tết khoảng trên 20%. Bởi vì dịch bệnh, khách du lịch giảm mạnh, các nhà hàng, quán ăn không nhập nhiều, nhu cầu của người dân  tiêu thụ hải sản không cao do vậy không thể mua giá cao hơn, chỉ duy trì mua hết hàng để các tàu có kinh phí hoạt động. Mấy hôm nay khi giá dầu lên, các tàu sau khi cập bến chuyến biển gần như nằm bờ, hàng hóa dần khan hơn.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, tỉnh này hiện có 7.966 tàu đánh cá. Cơ cấu chi phí sản xuất của nghề khai thác hải sản gồm: chi phí mua nhiên liệu dầu Diezel, nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công… Vì vậy, giá dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, tăng thêm gánh nặng chi phí trong mỗi chuyến biển.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh thông tin. Để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, góp phần củng cố và phát triển nghề khai thác thuỷ sản, đơn vị tham mưu để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu hơn nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác thủy sản; kinh phí ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản.

Ngoài ra, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân sang làm nghề khác để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ.

Hiện, các nghề khai thác gần bờ như nghề lưới rê, nghề câu hoạt động kém hiệu quả; một số tàu nghề giã tôm đã chuyển sang làm kiêm nghề cào ngao, cào ghẹ để duy trì hoạt động sản xuất. Các tàu hoạt động trong vùng bờ và vùng lộng tăng thêm thời gian bám biển sản xuất.


 Nguyễn Quang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba cú sốc đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, tiếp đến là sự tàn phá bởi đại dịch Covid-19 thì nay lại tiếp tục gánh chịu hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Theo dự báo, đến cuối năm 2022, có tới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hang-loat-ngu-dan-quang-ninh-do-nghi-do-gia-nhien-lieu-tang-d178113.html