Hàng loạt tai tiếng và những vấn đề tài chính của Chứng khoán KB Việt Nam

18/07/2022 15:06

Kinhte&Xahoi Sau những tai tiếng với nhiều vi phạm trong quá khứ, các vấn đề về tài chính của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng khiến giới đầu tư quan tâm.

Nhiều tai tiếng sai phạm trong quá khứ

 Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) từng là công ty chứng khoán có thị phần môi giới lọt vào top 10 trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Mặc dù vậy, KBSV lại có nhiều tai tiếng trong quá khứ khi từng bị xử phạt hàng loạt vi phạm về chứng khoán và thuế.

Cụ thể, tháng 5/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính KBSV số tiền 125 triệu đồng do vi phạm hành chính cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau đó, vào tháng 7/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 181/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính KBSV số tiền 70 triệu đồng do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.

Cụ thể, KBSV đã không lưu giữ đầy đủ bằng chứng chứng minh việc đặt lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã CK: FTM) trong giai đoạn từ ngày 2/1/2019 đến 30/8/2019 của 2 tài khoản.

Đối với lĩnh vực thuế, tháng 12/2019, KBSV đã bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng vì kê khai doanh thu chưa đúng quy định về thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, công ty còn hạch toán chi phí trích lập nợ khó đòi chưa đúng quy định, hạch toán chi phí lãi vay chưa đúng quy định.

Nhiều vấn đề tài chính của Chứng khoán KB Việt Nam

 Báo cáo tài chính năm 2021 của KBSV cho thấy, tổng giá trị các khoản cho vay của công ty đến ngày 31/12/2021 lên hơn 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; Trong đó, cho vay margin (giao dịch ký quỹ - vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư cổ phiếu) tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 4.400 tỷ đồng và ứng trước tiền bán chứng khoán gần 646 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam

Trong khi đó, báo cáo tài chính quý I/2022 ghi nhận, tổng giá trị cho vay margin đến hết quý đầu năm 2022 của KBSV tiếp tục tăng gần 560 tỷ đồng, lên 5.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vượt 267.300 tỷ đồng cả năm.

Theo đó, giá trị khối lượng giao dịch cổ phiếu của KBSV năm 2021 cũng tăng đột biến lên gần 613 tỷ đồng. Giá trị giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư qua KBSV cũng tăng mạnh từ 90.900 tỷ đồng năm 2020 lên trên 267.300 tỷ đồng năm 2021.

Đặc biệt, từ thời điểm tháng 1/2022, khi khách hàng có nhu cầu đăng ký hợp đồng dịch vụ phát triển khách hàng (DSF) tại KBSV thì kết quả kinh doanh của công ty lại càng tăng mạnh.

Kết thúc quý I/2022, KBSV ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 264,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 101,7 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu là 116 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 82,6 tỷ đồng, tăng 46,65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của KBSV, nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do các hoạt động của công ty ổn định, thị trường chứng khoán quý I/2022 duy trì đà tăng, số lượng tài khoản tham gia giao dịch tăng nhiều, đặc biệt trong quý IV/2021 công ty đã hoàn tất tăng vốn điều lệ. Doanh thu từ hoạt động môi giới tăng mạnh và lãi từ các khoản cho vay tăng đã ảnh hưởng tích cực đến lợi nhận công ty.

Chiếu theo báo cáo tài chính, tính tại thời điểm ngày 31/3/2022, tổng tài sản của KBSV ở mức 9.367 tỷ đồng. Trong đó, các khoản cho vay đã chiếm tới 5.688 tỷ đồng; Các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 1.163 tỷ đồng; Các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ là 2.261 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm ngày 31/3/2022, tổng nợ phải trả của KBSV là 5.550 tỷ đồng, hầu hết là nợ phải trả ngắn hạn. Trong đó, vay ngắn hạn của công ty tiếp tục tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, lên 5.450 tỷ đồng. Nợ phải trả dù nhỏ hơn tài sản nhưng lại lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu (3.816 tỷ đồng). Điều này cho thấy nguồn vốn của KBSV chủ yếu là đi vay, công ty sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao.

Mặt khác, mặc dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của KBSV lại âm 949,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái cũng âm 611,4 tỷ đồng. Đặc biệt, cả năm 2022, dòng tiền kinh doanh của công ty âm gần 2.800 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Theo các chuyên gia tài chính, việc dòng tiền kinh doanh âm của doanh nghiệp là bình thường trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Mặt khác, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh đang có vấn đề, chẳng hạn như bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Cơn bão nhiệt” tràn qua nhiều quốc gia trên thế giới

Mùa hè 2022, những cơn sóng nhiệt càn quét qua nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C. Ở Châu Á, nắng nóng cũng bao trùm khắp Trung Quốc, Nhật Bản… Hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hang-loat-tai-tieng-va-nhung-van-de-tai-chinh-cua-chung-khoan-kb-viet-nam-201234.html