Hiện đại hóa hạ tầng giao thông Thủ đô, tạo không gian phát triển mới

18/02/2022 09:41

Kinhte&Xahoi Vượt qua những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, giao thông Thủ đô vẫn có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây, trong đó việc đưa vào vận hành các phương tiện công cộng tiên tiến cùng với việc tích cực cải thiện hạ tầng giao thông Thủ đô được Nhân dân tích cực đón nhận, tin tưởng, kỳ vọng.

Tạo khởi sắc từ giao thông công cộng

 Chỉ sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác, tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã đạt mốc một triệu lượt khách đi tàu vào giữa tháng 1/2022. Đặc biệt, loại hình giao thông mới, hiện đại này đã được đông đảo người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ và đón nhận.

Người dân Thủ đô đi tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông

Đi tàu điện từ những ngày mới vận hành, anh Lê Minh Toàn (ở Trần Phú, Hà Đông) rất hài lòng với phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

“Trải nghiệm những khoang tàu sạch sẽ, lại không tắc đường, không lo bụi bặm căng thẳng như khi lái xe là những hiệu quả mà ai cũng có thể nhận ra. Với tôi, thay vì phải thuê nhà ở gần trung tâm, bây giờ tôi có thể ở Hà Đông, giá rẻ hơn, mà đi làm vẫn đúng giờ, đây chính là một trong những hiệu quả lâu dài của tuyến Metro. Hy vọng các tuyến tiếp theo sẽ sớm được hoàn thành.

Mọi phương tiện công cộng đều cần một khoảng thời gian nhất định để thích ứng với cuộc sống của từng lứa tuổi. Phát triển đường sắt trên cao là tất yếu của thành phố phát triển, kết nối nhiều phương tiện công cộng để tối ưu việc đi lại của người dân. Từ đó, người dân sẽ lựa chọn cho mình về nơi ở cũng như phương tiện đi lại”, anh Toàn cho biết.

Cùng với tàu điện trên cao, cuối năm 2021, những tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân Thủ đô. Có tần suất 15 - 20 phút mỗi chuyến, hoạt động từ 5 - 21h hằng ngày, giá vé lượt 7.000 - 9.000 đồng, trang bị camera, thiết bị chống ngủ gật kiểm soát hành vi của người lái, bảng điện tử hướng dẫn thông tin cho hành khách đi xe, cổng sạc USB, wifi miễn phí... các tuyến buýt điện ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt hơn, các tuyết buýt điện kết nối khu vực đông dân cư và trường học, bến xe, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và các điểm chung chuyển xe buýt lớn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Như Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã nhấn mạnh tại lễ khai trương, xe buýt điện đã đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô, góp phần xây dựng giao thông xanh, thân thiện môi trường.

Với nhiều người dân Thủ đô, những luồng khói đen kịt từ xe buýt xả ra môi trường và chật ních người từng là nỗi ám ảnh không nhỏ. Vì vậy, khi những tuyến buýt điện đầu tiên lăn bánh, người dân đều phấn khởi ủng hộ.

“Phương tiện công cộng chạy điện quyết định sự phát triển của một thành phố, một quốc gia trong thời đại khan hiếm năng lượng. Tôi mong sẽ có nhiều người sử dụng dịch vụ này để giảm lượng phương tiện cá nhân”, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (ở Mỹ Đình, Cầu Giấy) chia sẻ.

Xe buýt điện lăn bánh trên đường phố Thủ đô

Không chỉ là những phương tiện công cộng hiện đại, thời gian qua, người dân Thủ đô đều phấn khởi khi nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng đưa vào sử dụng như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5; Các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như: Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, cùng với việc phát triển phương tiện công cộng, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Hoàn thiện nhiều dự án, kế hoạch giao thông trọng điểm

 Trong năm 2022, Hà Nội sẽ hoàn thiện nhiều dự án, kế hoạch trọng điểm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Theo dự kiến, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đoạn đầu của tuyến Nhổn - Hoàng Mai (tuyến đường sắt số 3) phần nổi dài 8,5km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng ngay; Phần ngầm phải hoàn thành vào năm 2025. Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến vào quý IV/2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng nhằm khép kín tuyến vành đai 2, tăng cường kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022.

 Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án đường vành đai 4 để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, thúc đẩy phát triển những vùng còn khó khăn như khu vực phía Nam thành phố. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài dự kiến 111,2km; Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng; Đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh.

Tại phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh, tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối kinh tế vùng; Giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông; Kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm; Khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư; Nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố, với mục tiêu là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô; Quan tâm kết nối hạ tầng giao thông với các tuyến giao thông ở địa phương bạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô.

 Huy Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyên gia Malaysia: Biến chủng Omicron không gây mất khứu giác ở người mắc Covid-19

Chuyên gia về bệnh học của Viện Nghiên cứu y tế thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Masita Arip cho biết, người nhiễm biến chủng Omicron không gây triệu chứng mất khứu giác như ở người nhiễm biến chủng Delta; đồng thời khẳng định đây là một trong những khác biệt lớn về triệu chứng của người nhiễm biến chủng Omicron và Delta.

Du khách đến Đông Nam Á tăng khi các nước mở cửa biên giới

Theo dữ liệu từ công ty du lịch trực tuyến Skyscanner, số lượng đặt chỗ những chuyến bay quốc tế đến các quốc gia Đông Nam Á đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến dịch COVID-19 đã tăng mạnh trong tháng đầu năm nay.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hien-dai-hoa-ha-tang-giao-thong-thu-do-tao-khong-gian-phat-trien-moi-190099.html