Hỗ trợ học sinh học tập trong bối cảnh dịch Covid-19: Bảo đảm đạt chuẩn kiến thức

08/04/2020 17:13

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với các địa phương trên cả nước, thành phố Hà Nội tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh đến ngày 15-4-2020. Duy trì các biện pháp phòng dịch, nỗ lực hỗ trợ học sinh tiếp cận bài giảng mới, ôn luyện kiến thức cũ, giúp các em đáp ứng các yêu cầu “đầu ra” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của các trường học trên địa bàn Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đang phát sóng 88 chương trình “Dạy học trên truyền hình” mỗi tuần, giúp học sinh học tập tại nhà đạt hiệu quả. Ảnh: Quang Thái

Nâng cao chất lượng học tại nhà 

Gần một tháng nay, 40 học sinh lớp 11D4, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đã hình thành thói quen học ở nhà qua mạng internet do giáo viên các bộ môn tổ chức. "Các thầy, cô giáo có nhiệm vụ theo dõi toàn bộ các giờ dạy trên truyền hình, từ đó xây dựng bài học trực tuyến và giao bài tập, kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định. Giờ học qua mạng internet được thực hiện như với một giờ dạy trên lớp, có điểm danh, có phát biểu, có kiểm tra bài cũ...", thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho biết. 

Còn ông Trần Mạnh Kha, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Tôi đã yên tâm hơn nhiều khi các con được học bài mới mỗi ngày trên đài truyền hình. Mối lo nhà bạn có internet thì được học nhiều hơn nhà mình không còn, bởi giờ đây, các con có khá nhiều cách thức để học tập tại nhà”. 

Tính đến nay, học sinh cấp học mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nghỉ học đến tuần thứ 10. Ghi nhận thực tế cho thấy, trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, các nhà trường đã chủ động tìm mọi biện pháp để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà với kế hoạch dài hạn. Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, việc học tập qua internet và trên truyền hình đã trở thành nếp quen của hầu hết học sinh và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát sóng 88 chương trình “Dạy học trên truyền hình” mỗi tuần, dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Ngoài ra, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội đều đã triển khai việc dạy học qua internet, hoặc gửi bài tập hằng ngày cho phụ huynh bằng nhiều cách, giúp học sinh có thêm lựa chọn cho việc học tập tại nhà đạt hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo thầy giáo Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Phú (huyện Sóc Sơn), việc học qua internet vẫn còn nhiều khó khăn, bởi nhiều gia đình chưa có máy tính kết nối internet… Thống kê sơ bộ, nhà trường mới có khoảng hơn 30% số học sinh có thể học tập qua internet. 

Giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) chuẩn bị cho một giờ dạy qua internet.

Nỗ lực hỗ trợ học sinh 

Thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng và tiến độ theo khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực gỡ khó trong quá trình thực hiện các hình thức dạy học từ xa. 

Theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, để 100% học sinh được học tập qua mạng internet, quận đã quan tâm đầu tư điều kiện hạ tầng đồng bộ. Theo đó, mỗi trường học của quận được hỗ trợ 50-80 triệu đồng. Là đơn vị có quy mô giáo dục khá lớn với 82 trường, trong đó tỷ lệ trường ngoài công lập chiếm 45%, song việc triển khai kế hoạch, nội dung dạy học và cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện thống nhất, đồng thời bảo đảm quyền lợi học tập cho tất cả học sinh.

Còn theo thầy giáo Trần Xuân Hiệp, giáo viên dạy toán, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), do nhiều nguyên nhân, việc học tập trên truyền hình hoặc qua mạng internet của một số học sinh chưa đều đặn. Do đó, trong mỗi buổi học, các thầy, cô giáo đã tích cực rà soát, kịp thời phối hợp với phụ huynh học sinh đôn đốc và có biện pháp kèm cặp riêng để các em theo kịp tiến độ bài học với cả lớp. 

Với cùng mục tiêu, không bỏ lại bất kỳ học sinh nào ở phía sau, Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) đã mở rộng việc học qua internet cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Từ chỗ chỉ có 70% số học sinh tham gia học, đến nay cả trường đã có 93% số học sinh học tập qua internet, trong đó khối 4 và khối 5 đạt 100%. 

Cô giáo Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên cho biết, để khắc phục hạn chế của việc học từ xa, các cô giáo thường chia lớp thành những nhóm nhỏ để các em đều được quan tâm, học sinh có khó khăn hơn được chú ý. Đối với một số học sinh về quê, các cô giáo còn trích xuất video bài dạy, gửi qua điện thoại cho phụ huynh, hướng dẫn các em tự học. 

Liên quan đến việc này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường tiếp tục rà soát, trang bị đủ điều kiện cần thiết để tổ chức học tập từ xa bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tích cực triển khai các phần việc theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các nhà trường, giúp giáo viên, học sinh được hưởng gói hỗ trợ cước dữ liệu học trực tuyến, bảo đảm mọi học sinh đều có thể học tập tốt tại nhà.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị phụ huynh học sinh phối hợp chặt chẽ với các nhà trường theo dõi, nhắc nhở và tạo điều kiện để tất cả học sinh đều được học tập tại nhà hiệu quả trong bối cảnh phải tạm dừng đến trường vì ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vũ Hán ngày đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Hàng ngàn người đã nhẹ nhõm rời khỏi Vũ Hán - Trung Quốc vào sáng nay sau khi chính quyền dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhiều tháng qua tại nơi tâm dịch Covid-19 này.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/963719/ho-tro-hoc-sinh-hoc-tap-trong-boi-canh-dich-covid-19-bao-dam-dat-chuan-kien-thuc