Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới

22/12/2022 09:57

Kinhte&Xahoi Chiều 21/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh Phiên họp chiều 21/12.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra. Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Hồ sơ QHTTQG được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể và cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, về nội dung chủ yếu của QHTTQG, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên nhân văn và các yếu tố khác như khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư… Đồng thời, cần đưa ra nhận định các điều kiện, yếu tố này tác động (tích cực, tiêu cực) như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới; bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất các nội dung phân tích, đánh giá từ hiện trạng, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra với đề xuất các giải pháp tương ứng được nêu trong Báo cáo; làm rõ nguyên nhân của việc không thực hiện được một số chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia để bảo đảm việc đề xuất định hướng nhu cầu sử dụng đất trong thời kỳ mới đạt hiệu quả, khắc phục những tồn tại của giai đoạn trước.

Về tính khả thi và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện QHTTQG, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

UBTVQH đã tập trung cho ý kiến về sự phù hợp của QHTTQG với chủ trương đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; về tính khả thi của các mục tiêu và chỉ tiêu các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội như các vùng động lực, hành lang kinh tế… Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết và các phụ lục kèm theo Nghị quyết; về hồ sơ, Tờ trình dự thảo Nghị quyết, xem xét điều kiện, chất lượng để trình QH.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ mà đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo và các ý kiến góp ý đều có giải trình, tiếp thu, báo cáo rõ. Chủ tịch QH cho rằng, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp lần này, các cơ quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện trình QH tại Kỳ họp bất thường tới.

Chủ tịch QH đề nghị về bố cục và kết cấu, đề nghị rà soát tuân theo quy định của Luật Quy hoạch. Về phạm vi ranh giới lập Quy hoạch cần bảo đảm thống nhất đồng bộ với các luật hiện hành. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển cần thể hiện ngay và rõ.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch QH đề nghị, cần nêu rõ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lưu ý đến các nội dung phát triển các vùng không gian, phát triển văn hóa, phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật nghiên cứu mô hình TOD, chú ý phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị; dự kiến về danh mục dự án quan trọng quốc gia… Ngoài ra, cần có quy định về chu kỳ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch.

 An Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không

Thị trường hàng không đã khởi sắc trở lại sau ảnh hưởng đặc biệt lớn từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia thực hiện chính sách phong tỏa tạm thời. Mặc dù đã qua cơn bĩ cực nhưng các hãng hàng không lại gặp một rào cản mới đó là sự khan hiếm nguồn nhiên liệu sạch và áp lực giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050…

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/hoan-thien-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-bat-thuong-sap-toi-d188171.html