Hướng đi cho những nhà băng có nợ xấu vượt quy định 3%

22/02/2019 15:54

Kinhte&Xahoi Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 3% để đảm bảo an toàn hoạt động. Thế nhưng, cá biệt một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt quy định 3%.

Bức tranh nợ xấu ngân hàng 2018

Năm 2019 ghi nhận kết quả khả quan với những ngân hàng liên tiếp những kỷ lục lợi nhuận được tạo ra như Vietcombank bứt phá với hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận, bỏ các ngân hàng còn lại trong hệ thống. Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. 

Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh xuống còn 1,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Dù bức tranh chung khởi sắc nhưng không phải tại ngân hàng nào vấn đề nợ xấu cũng được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy, dù tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm nhưng ở rất nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu đã tăng trong năm 2018.
 Diễn biến tỷ lệ xấu của các ngân hàng năm 2017, năm 2018. Ảnh: The Leader

Trong đó, có những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu vượt quy định 3% của NHNN như BaoViet Bank (3,97%), MSB (3,01%) hoặc xấp xỉ ngưỡng an toàn như PGBank (2,96%).

Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng thương mại công bố chi tiết số liệu tài chính, vượt khá xa so với ngưỡng an toàn 3%. Tính tới thời điểm cuối năm 2018, tổng nợ xấu của ngân hàng đạt 1.022 tỷ đồng, riêng nợ có khả năng mất vốn là 721 tỷ đồng.

Với MSB (tên mới của Maritime Bank), ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ xấu hơn 2% ổn định trong vài năm trước nhưng đã bất ngờ tăng lên mức 3% trong năm 2018 với quy mô nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi từ 640 tỷ đồng lên 1.242 tỷ đồng.

 MSB báo lãi khủng, nhưng nợ xấu cũng tăng khủng năm 2018

Với tỷ lệ nợ xấu 2,96%, PGBank sắp được sáp nhập vào HDBank, một ngân hàng đang vươn lên mạnh mẽ với tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,53%. Thực tế, nợ xấu của ngân hàng mẹ HDBank chỉ là 0,97%, phần còn lại là kết quả hợp nhất từ công ty cho vay tiêu dùng HD Saison.
Ngoài nhóm ngân hàng trên, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành cũng chỉ ra nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% đáng chú ý như SHB (2,4%), VIB (2,52%), OCB (2,29%) hay Saigonbank (2,19%).

Trong các diễn biến tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng trong các năm qua, Sacombank là trường hợp đáng chú ý nhất với việc đưa tỷ lệ nợ xấu từ 6,9% năm 2016 về 2,11% năm 2018. Quá trình giảm tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đến từ cả hai xu hướng, giảm giá trị nợ xấu và tăng quy mô tín dụng. Cụ thể quy mô nợ xấu của Sacombank đã giảm từ mức gần 20.000 tỷ đồng năm 2016 xuống mức hơn 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018, trong khi dư nợ cho vay tăng thêm 28% từ 199.000 tỷ đồng lên hơn 256.000 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Làm sao để bứt phá?

Theo các chuyên gia, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam không phải là vấn đề mới phát sinh mà thực chất là kết quả được tích tụ từ nhiều năm trước.

Do vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tạo ra thành quả hoạt động cho doanh nghiệp, tạo ra sinh lời cho nhà đầu tư và gia tăng thu nhập cho mỗi cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, kết quả là cải thiện khả năng thanh toán lãi vay và nợ của người đi vay và do đó sẽ làm giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. 

Việt Nam cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Và để thực hiện mục tiêu này, cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.
Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ cần đa dạng hơn. Đồng thời, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp cho bên mua và bán xác định được giá trị của khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán.

 Tòa nhà Saigon One Tower từng được mang ra bán đấu giá để thu hồi nợ. Ảnh: Zing

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, cần xây dựng bộ quy tắc cho phép áp dụng cơ chế work – out (tái cơ cấu doanh nghiệp không qua tòa án) với nguyên tắc chung là từ 51% so chủ nợ với từ 75% giá trị nợ đồng ý thì phương án tái thiết được thông qua.

Đồng thời, đối với những trường hợp doanh nghiệp mà Nhà nước yêu cầu tái cấu trúc thì cần cho phép áp dụng cơ chế trả giá mua nợ bằng tiền tương ứng phần giá trị nợ được đánh giá theo phương án tái cơ cấu, và phần thặng dư do giá chào bán của tổ chức tín dụng cao hơn sẽ được trả bằng trái phiếu đặc biệt do tổ chức tái thiết doanh nghiệp phát hành, để chia sẻ rủi ro/lợi ích thu được sau này và đẩy nhanh việc đám phán mua bán nợ.

Hiện nay, tại các ngân hàng Việt Nam, hầu hết khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo kèm theo là các bất động sản. Vì vậy, chỉ cần có cơ chế phù hợp là sẽ thu hồi hiệu quả. Đây là nguyên nhân vì sao tình hình xử lý nợ xấu tại VAMC và các ngân hàng thuận lợi hơn kể từ khi Nghị quyết 42 chính thức được áp dụng.

Theo Hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao Việt Nam được xem là biểu tượng trong thượng đỉnh Mỹ - Triều?

PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Hà Nội là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.