Một biển hiệu hiển thị nhiệt độ ngoài trời là 46°C ở trung tâm thành phố Rome (Italia), ngày 18-7.
Còn tại Italia, sau khi nắng nóng ở nhiều địa phương đã đạt mức kỷ lục ít ngày trước, trong đó nhiệt độ được ghi nhận lên đến 47 độ C ở khu vực Sardinia, 45-46 độ C ở Sicily, Rome, nước này cũng chuẩn bị cho các đợt nắng nóng kỷ lục tiếp theo. Hiện tại, các biện pháp phòng, chống nắng nóng đã được triển khai gồm: Các phòng khám ngoại trú địa phương hoạt động suốt ngày đêm vào tất cả các ngày trong tuần; cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp tại nhà cho người già và các nhóm dễ bị tổn thương khác; nối lại hoạt động của các văn phòng chăm sóc sức khỏe liên tục cấp vùng...
Tại Mỹ, đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài khắp miền Nam nước Mỹ dự kiến sẽ mở rộng trong những ngày tới. Trước đó, hàng chục triệu người ở Bắc bán cầu đã phải hứng chịu cái nóng gay gắt trong mùa hè này khi thế giới trải qua tháng 7 nóng nhất được ghi nhận với các kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ. Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) của Mỹ cho biết, trên khắp miền Nam nước Mỹ, khoảng 80 triệu người sẽ phải chịu cái nóng từ 41 độ C trở lên vào cuối tuần này. Nhiệt độ cao nhất của đất nước lên tới 46 độ C được dự báo cho Phoenix, Arizona, nơi đã chứng kiến mức nhiệt kỷ lục trong 3 tuần liên tiếp trên 43 độ C.
Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân của biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cho rằng sự nóng lên toàn cầu đang đóng một vai trò quan trọng.
Nhà khí hậu học hàng đầu của NASA Gavin Schmidt cho biết, tháng 7-2023 đang trên đà trở thành tháng nóng nhất - không chỉ kể từ khi các ghi chép bắt đầu mà còn trong "hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm". Ông Schmidt cảnh báo xu hướng nắng nóng cực độ dự kiến sẽ tiếp diễn do con ngưởi tiếp tục thải khí nhà kính vào khí quyển.
Thùy Dương - Hà Nội mới