Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về vụ phá hủy Công viên nước Thanh Hà

06/06/2020 10:46

Kinhte&Xahoi Sau hơn 3 tháng chờ đợi kết quả thanh tra vụ cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà, ngày 06 tháng 5 năm 2020. Thanh tra thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1866/KL-TTTP-P2 kết luận về vụ việc nêu trên.

Công viên nước Thanh Hà trước khi bị phá hủy.

Sau khi nội dung kết luận được thông tin trên báo chí, mặc dù có nhiều tít bài báo đã không ngại chỉ trích sự vi phạm của lảnh đạo quận Hà Đông, nhưng dư luận xã hội vẫn không đồng tình với nội dung kết luận của Thanh tra thành phố. Thái độ không đồng tình có cấp độ khác nhau nhưng đều thuận chiều, cho rằng kết luận của thanh tra Thành phố Hà Nội không thỏa đáng và thiếu sức thuyết phục.

Trong đó, nặng thì yêu cầu vụ việc phải được khởi tố điều tra để làm rõ hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật hình sự. Nhẹ thì cũng cho rằng thanh tra thành phố Hà Nội đã “nhẹ tay” với chính quyền quận Hà Đông, cần phải lên tiếng tiếp để vụ việc được xử lý khách quan, công minh.

Tuy nhiên, công luận vẫn nghiêng hẳn về cấp độ nặng. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng vụ này cần phải xử lý nghiêm những hành vi phạm tội, coi đây là bài học chung về một sự kiện hy hữu, từ đó thông tin rộng rãi trong cả nước, lên án mạnh mẽ về sự vô đạo và non yếu nghiệp vụ của một số không ít cán bộ công quyền hiện nay.

Có thể nói hầu hết những ai quan tâm đến vụ việc, đã tiếp cận được những nội dung chính trong bản kết luận Thanh tra đều cho rằng thanh tra Hà Nội đã giảm nhẹ trách nhiệm của người vi phạm, có biểu hiện che chắn, kết luận, xử lý không đúng với tính chất của vụ phá hủy công viên nước, không phù hợp sự lên án của cộng đồng xã hội trên báo chí và mạng xã hội.

Công viên sau khi bị phá hủy

Những nội dung bị “lờ” hoặc giảm nhẹ trách nhiệm

1/ Trước hết cần khẳng định quyết định cưỡng chế số 5079/ QĐ-CCXP ngày 24/12/2019 của chủ tịch UBND quận Hà Đông là một quyết định sai, vi phạm luật xử lý vi phạm hành chính. Vì chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện khắc phục hậu quả. Nhưng nội dung kết luận thanh tra không đề cập đến vi phạm này.

Trước khi ban hành quyết định nói trên, ngày 28/11/2019 UBND quận Hà Đông nhận được văn bản số 19/BC-LAND ngày 26/11/2019 của chủ đầu tư về việc tháo dỡ công trình với nội dung: “Đến nay, công trình xây dựng tạm tại ô đất A2.2-CCĐT01 trong khu vực của dự án khu đô thị Thanh Hà-Cienco 5 không còn phục vụ cho dự án. Do đó chúng tôi tự tháo dỡ công trình trả lại nguyên trạng của khu đất theo quy hoạch được duyệt. Thời gian dự kiến việc triển khai tháo dỡ: 06/12/2019”. Trên thực tế đến ngày 17/12/2019, khi Phường Phú Lương kiểm tra hiện trường thì chủ đầu tư đã tiến hành tháo dỡ chóp mái che của 4 hạng mục.

Dẫn ra như trên để phản ánh một sự thật là chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện tháo dỡ công trình công viên nước. Tuy nhiên, thời gian tháo dỡ không thể đáp ứng được trong 15 ngày theo yêu cầu của chính quyền. Lý do không đáp ứng được là hoàn toàn hợp lý (khối lượng tháo dỡ lớn, kết cấu kỹ thuật phức tạp phải thuê chuyên gia nước ngoài đã lắp đặt thiết bị tại công trình, thời gian cận kề Tết nguyên đán...)

Sau đó, trước sức ép của chính quyền, sau khi UBND quận Hà Đông ban hành quyết định cưỡng chế nói trên và các văn bản triển khai thực hiện của UBND phường Phú Lương, ngày 14/01/2020 chủ đầu tư đã có văn bản số 01/BC-LAND gửi UBND quận, UBND phường với nội dung: “xin cam kết tháo dỡ theo nội dung quyết định số 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông”. Thời gian hoàn thành dự kiến trong quý I/2020.

Với tuần tự diễn biến các sự kiện pháp lý nêu trên, có thể khẳng định chính quyền quận Hà Đông đã quy định một khoảng thời gian không bảo đảm tính khả thi, phi thực tế. Một khối lượng công việc, kể cả điều động nhân lực, máy móc, phương tiện và tiến hành tháo dỡ phải hai tháng mới xong nhưng yêu cầu trong 15 ngày phải xong là hết sức phi lý.

Các thiết bị nhập ngoại không còn tái sử dụng.

Tuy nhiên, câu chuyện chính ở đây cần nói sâu để thấy rõ hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền là ở chỗ, khi đã thấy chủ đầu tư tự nguyện, thì vấn đề thời gian tháo dỡ cũng không còn quan trọng. Trong điều kiện công trình nằm trên vị trí không gây ông nhiễm môi trường, không cản trở giao thông, không ảnh hưởng Quốc phòng-An ninh, không gây phản cảm cảnh quan... thì không có yêu cầu khẩn cấp. Lẽ ra khi chủ đầu tư có văn bản tự nguyện và đã tháo dỡ chóp mái của 4 hạng mục thì chính quyền không được phép ra quyết định cưỡng chế. Khi đã lỡ ra quyết định cưỡng chế rồi, mà chủ đầu tư đã có văn bản cam kết và xin thời gian tháo dỡ, thì buộc chính quyền phải lập biên bản công nhận sự tự nguyện tháo dỡ.

2/ Không công nhận sự tự nguyện của chủ đâu tư là một sai lầm nghiêm trọng, khó hiểu của chính quyền, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tiếp là: Trong quá trình thực hiện quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả, việc lập phương án, kế hoạch thiếu chặt chẽ, không đúng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc sử dụng lực lượng không có chuyên môn kỹ thuật, sử dụng phương tiện (máy ủi, máy xúc) dùng để phá huỷ, chứ không dùng để tháo dỡ...

Rõ ràng nhìn vào cách sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ và hậu quả việc đã làm thì không thể cho rằng chính quyền ở đây chuẩn bị tháo dỡ công trình. Thế nhưng trong kết luận thanh tra nói rằng “chỉ đạo lập phương án phá dỡ thiếu thận trọng”. Việc dùng những từ ngữ như trên không phản ánh đúng bản chất vụ việc, ở đây không chỉ là “nhẹ tay” với người vi phạm mà biểu hiện sự che chắn, giảm nhẹ trách nhiệm của chính quyền, có dấu hiệu bao che tôi phạm.

3/ Hành vi sai trái của chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương, có dấu hiệu rất rõ vi phạm điều 356 Bộ luật hình sự.

Điều 356 bộ luật hình sự quy định: “(1) Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. (3) Phạm tội gãy thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. (4) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Các dấu hiệu của tội phạm quy định tại điều luật nói trên trong trường hợp cưỡng chế phá huỷ công viên nước Thanh Hà là rất rõ:

⁃ Về khách thể: Chính quyền ở đây đã làm sai quy định của pháp luật. Đã xâm hại đến quy định về quy trình, thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội, tài sản doanh nghiệp, làm mất uy tín của chính quyền, làm giảm niềm tin của người dân và gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.

⁃ Về khách quan: Chính quyền sở tại đã không tôn trọng sự tự nguyện của chủ đầu tư. Ban hành quyết định không được phép ban hành. Thực hiện quyết định trái với quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Cán bộ nhân viên thực thi công vụ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng thủ đoạn o ép chủ đầu tư. Vừa ra quyết định trái pháp luật, vừa quy định thời gian thực hiện không khả thi.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng xây dựng, phê duyệt phương án, kế hoạch tháo dỡ phải nắm được khối lượng, quy trình thực hiện công việc và thời gian hoàn thành. Nhưng trong trường hợp này phía chính quyền đã không cần biết và cũng không cần nắm. Và lực lượng cưỡng chế đã thực hiện hành vi phá dỡ, phá bỏ, phá hủy chứ không phải là tháo dỡ.

⁃ Về chủ quan: Thực hiện hành vi vi phạm nói trên do lỗi cố ý. Chính quyền không xem xét đề nghị của chủ đầu tư. Ra quyết định cưỡng chế thiếu căn cứ, có dấu hiệu vì mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Đây là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm về vụ việc này?

⁃ Về mặt chủ thể: Là những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn được cơ quan chức năng có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ ban hành và triển khai quyết định cưỡng chế.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, công ty luật Fanci: “Trong vụ việc này, các cán bộ đã lợi dụng chức vụ, cơ quan hành chính lợi dụng chức năng của mình mà đề xuất, ban hành và thực thi Quyết định 4725/QĐ-KPHQ; Quyết định 5079/QĐ-CCXP vừa sai luật, không phù hợp thực tế mà còn gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế và niềm tin xã hội. Xét cả tính chất, mức độ sai phạm thì phải khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ "theo Điều 356 Bộ luật hình sự. Chỉ có khởi tố vụ án hình sự thì mới làm rõ động cơ, mục đích của hành vi phạm tội. Cụ thể là hành vi đề xuất, ban hành, thực thi 02 quyết định nêu trên. Có như vậy, mới xử lý triệt để nguồn gốc thực sự của sự việc, mới truy cứu được ai là tội phạm chính, ai là đồng phạm”

Vụ việc được khởi tố điều tra không chỉ là bảo đảm đúng pháp luật mà còn làm rõ được những khuất tất khó hiểu trong nội tình vụ việc mà công luận đang đòi hỏi.

Theo điều 44, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn thi hành luật Thanh tra, tại khoản 1 quy định: “Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết".

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Tú, công ty luật Fanci: “Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, có 04 nguồn tin về tội phạm bao gồm: do cá nhân/tổ chức tố giác; do báo chí nêu; do kết quả làm việc của các cơ quan chuyên ngành chuyển và do kết quả thanh tra, kiểm tra. Trong vụ việc này, Thanh tra Hà Nội nhận thấy nội dung "tố giác" của chủ đầu tư nhưng lại không thanh tra mà hướng dẫn chủ đầu tư làm đơn gửi đến Công an là trái pháp luật. Lẽ ra, Thanh tra Hà Nội phải thanh tra và chuyển hồ sơ đồng thời kiến nghị Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự”

Thế nhưng thanh tra thành phố đã đá quả bóng về cho chủ đầu tư, và câu chuyện hay là ở chỗ, thanh tra kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Hà Đông: Khẩn trương xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của chủ đầu tư đối với hành vi tổ chức cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà theo thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư gửi đơn đến cơ quan Công an... Nội dung kiến nghị này xem ra cũng là chuyện bi hài. Ông đem quân đập phá, phá hủy tài sản của tôi, giờ ông lại ngồi ghế giải quyết đơn tôi khiếu nại và hướng dẫn tôi gửi cơ quan Công an tố cáo hành vi phá hủy tài sản của ông?

Phá xong không để làm gì cả.

Vụ công viên nước Thanh Hà có 3 quá trình vi phạm pháp luật. Chủ đầu tư xây dựng không phép. Cơ quan chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, để một công trình lớn, xây không phép trên khu đất rộng, trong thời gian dài. Khi công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chính quyền mới rốt ráo kiểm tra xử lý công trình xây không phép. Nhưng khi thực hiện xử lý sai phạm xây không phép của chủ đầu tư, chính quyền lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng.Đôi điều cùng đồng nghiệp và bạn đọc

Cộng đồng xã hội lâu nay thường lên án mạnh mẽ xây và “lờ” cho xây không phép, sai phép. Riêng vụ công viên nước Thanh Hà bức xúc, phẫn nộ của dư luận lại hướng vào hành xử sai trái của chính quyền quận Hà Đông về hành vi phá hủy công trình.

Sau khi có kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội, cũng có một số bài báo lên tiếng nghiêng về chỉ trích hành vi xây dựng không phép của chủ đầu tư để làm giảm trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư đã hoàn toàn tự nguyện khắc phục hậu quả và họ phải chịu thiệt hại nặng nề hàng trăm tỷ đồng thì việc tiếp tục lên án chủ đầu tư để giảm nhẹ tội lỗi của cán bộ thực thi công vụ là thái độ thiên lệch của báo chí.

Trong nội vụ này cũng cần có hình thức xử lý chủ đầu tư và những cán bộ, nhân viên quản lý xây dựng. Nhưng trước hết công luận đòi hỏi phải làm rõ và xử lý trách nhiệm về vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ nghiêm trọng của cán bộ, nhân viên thuộc quận Hà Đông và phường Phú Lương.

Cũng có những bài báo kể tội chủ đầu tư đã xây dựng công viên nước trên các ô đất không quy hoạch công viên nước. (Theo quy hoạch thì đây là đất công cộng thành phố; đất cây xanh, thể dục thể thao thành phố; đất ở và đường giao thông nội bộ) Nhằm nâng tính nghiêm trọng về sự vi phạm của chủ đầu tư.

Nhưng trên thực tế các ô đất này nằm trong khu đô thị, đang thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư theo hợp đồng giữa chủ đầu tư với chính quyền. Khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, thì chủ đầu tư mới bàn giao cho chính quyền quản lý. Nếu không sử dụng tạm vào mục đích sinh lợi thì đất cũng bỏ hoang. Chủ đầu tư không sử dụng thì chưa ai có quyền sử dụng vì đất chưa được bàn giao.

Khu đô thị Thanh Hà là một khu đô thị đẹp, hiện chủ đầu tư đang phải chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt các dự án thành phần để triển khai xây dựng tiếp. Rất tiếc là thời gian chờ chính quyền phê duyệt, cấp phép quá lâu, lại xảy ra sự cố tại công viên nước, do sai phạm của chính quyền, nên giao dịch bất động sản trước đây nhộn nhịp, bây giờ thưa vắng, đất xuống giá, nhà nước thất thu ngân sách, doanh nghiệp chờ việc, không có sản phẩm để bán, đang lâm vào khó khăn... Đây là một thực tế đau lòng. Nhưng vụ việc dứt khoát không thể để "hòa cả làng" như cách làm của Thanh tra Hà Nội.

/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.

Nguyễn Hòa Văn 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo tamnhin.net/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ket-luan-cua-thanh-tra-tp-ha-noi-ve-vu-pha-huy-cong-vien-nuoc-thanh-ha-d126385.html