Khắc phục các điểm sạt lở đất do ngập lụt tại Quảng Trị, Đà Nẵng

18/10/2022 19:04

Kinhte&Xahoi Mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, nhất là tại Quảng Trị, Đà Nẵng. Đáng lo ngại, lũ đã gây ra nhiều điểm sạt lở tại các địa phương trên.

Khẩn trương di dời, đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong vùng sạt lở đất

 Đêm ngày 16/10 rạng sáng 17/10, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm 1 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 2 nhà khác ở kế bên bị hư hỏng. Vụ việc đã khiến một người tử vong. Nguyên nhân vụ sạt lở có thể do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua.

Ngay trong ngày 17/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Tại khu vực xảy ra sự cố, ông Hà Sỹ Đồng nhắc nhở lực lượng chức năng túc trực 24/24h tại khu vực sạt lở, cắm chỉ giới để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra do mưa lũ.

Khu vực bị sạt lở ở bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị khiến một người tử vong

Ông Hà Sĩ Đồng cho biết, tại khu vực sạt lở dù đã được địa phương xây dựng các công trình gia gia cố xung quanh tuy nhiên trước ảnh hưởng ngày càng khắc nghiệt của thiên tai, biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở vẫn xảy ra bất ngờ. Ngoài ra, yêu cầu khẩn trương làm kế hoạch để di đời người dân đến nơi ở mới. Trước mặt, tỉnh sẽ hỗ trợ thuốc men, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phổ biến về Luật phòng, chống thiên tai, dự báo tình hình, diễn biến của thời tiết trong mùa mưa bão hiện nay tới người dân để không thể xảy ra thêm các thiệt hại về người.

Ngoài khu vực trên, một số điểm trên tuyến quốc lộ 15D đoạn qua bản La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông) cũng đã xảy ra tình trạng sạt, lún nghiêm trọng do mưa kéo dài. Nếu mưa kéo dài gây nguy cơ sạt cả quả đồi nằm bên phải điểm sạt lở, hướng từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay - quốc lộ 1A.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng thông báo cho nhân dân trong khu vực sự việc, đồng thời cử lực lượng chốt chặn nghiêm cấm người, phương tiện qua lại điểm sạt lún. Trước mắt, địa phương đã thành lập tổ chốt chặn ở hai đầu tuyến; sẵn sàng có phương án ứng phó với những nguy cơ sạt lở tiếp theo và kịp thời sơ tán người dân, cảnh báo nhân dân không đi vào khu vực nguy hiểm.

Thông tuyến tại các tuyến đường ven biển bị sạt lở ở Đà Nẵng

 Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, Đà Nẵng hứng chịu lượng mưa lớn gây ra trận lũ lụt lịch sử. Tại khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà, từ 7h đến 22h ngày 14/10, lượng mưa lên đến 720 mm, gây sạt lở khu vực xung quanh.

Đường Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà, có một mương thoát nước dẫn từ Suối Đá ra biển, bị mưa lũ gây sạt lở, chỉ trơ lại dầm bê tông. Lượng mưa quá lớn khiến đoạn đường này bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, một số điểm sạt lở đất đá tại các đường trên bán đảo Sơn Trà như: Tuyến đường từ Hồ Xanh đi ra phía InterContinental bị sạt lở, tuyến Suối Đá, tuyến Tiên Sa đi Suối Ôm cũng bị sạt lở

Lượng mưa quá lớn gây xói lở hai điểm tại đường ven biển Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà

Để khắc phục hậu quả sạt lở và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ngay sau đó, khu vực này đã được công an và chính quyền địa phương phong tỏa, rào chắn và cắt cử người canh gác, không cho người và phương tiện đi qua khu vực sạt lở này. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân và du khách không lên bán đảo Sơn Trà tham quan du lịch thời điểm này.

Tại nghĩa trang Hòa Sơn, nghĩa trang lớn nhất của thành phố Đà Nẵng ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, có 11 khu vực bị sạt lở do lũ quét từ trên núi cao đổ xuống, cuốn theo đất đá vùi lấp, cuốn trôi 610 ngôi mộ. Trong đó, có 6 điểm sạt lở lớn, vùi lấp đường giao thông nội bộ trong khu vực nghĩa trang.

Ban Nghĩa trang đã huy động máy đào, xúc phần đất đá vùi lấp đường giao thông để thông tuyến. Các khu vực có mộ, các phương tiện cơ giới không vào được, Ban đã tổ chức vận chuyển thủ công đất đá ra đường rồi đưa lên xe đi đổ.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng nghìn ngôi mộ và việc đi lại, thăm viếng của người dân, đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu thành lập tổ công tác liên ngành do Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang chủ trì với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, nhanh chóng khắc phục sạt lở và hỗ trợ sửa chữa các ngôi mộ cho người dân.

Trước những thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử gây ra, UBND Thành phố Đà Nẵng ghi nhận các địa phương, đơn vị, nhất là các lực lượng vũ trang đã chủ động, ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Thành phố cũng đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân, thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị những người bị thương, bị nạn do mưa bão gây ra; tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đã chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm sớm khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra.

Nhân dân và các đoàn thể chính trị xã hội toàn thành phố đã chung tay, tích cực triển khai xử lý những nơi còn ngập úng, nhất là trong khu vực nội thành, những vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hỗ trợ các địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, nhất là các tuyến đường chính, tuyến đường ven biển, các khu vực bị sạt lở trên địa bàn thành phố.

Rõ ràng thiệt hại vẫn chưa dừng lại sau những đợt mưa liên tiếp dồn rộng. Đáng lo hơn là dự báo cuối tuần này, cơn bão số 6 sẽ tiếp tục gây mưa cho các tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.... Đây đều là những địa phương vẫn đang phải khắc phục hậu quả mưa lũ từ đầu tháng 10 tới nay.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khac-phuc-cac-diem-sat-lo-dat-do-ngap-lut-tai-quang-tri-da-nang-208299.html