Khắc phục tình trạng sim rác, sim nặc danh “khủng bố” khách hàng

22/06/2023 14:06

Kinhte&Xahoi Đại biểu Quốc hội đề nghị có chế tài để quản lý nghiêm những trường hợp doanh nghiệp viễn thông lắp đặt không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không bảo đảm mỹ quan đô thị…

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 22-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Dây cáp viễn thông gây mất mỹ quan đô thị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận về quyền và nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung quy định được phép kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Điều này giúp chuẩn hóa thông tin thuê bao phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Qua đó khắc phục tình trạng sim rác, sim nặc danh để "khủng bố" khách hàng.

Về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, đại biểu Dương Văn Phước cũng đề nghị không cung cấp dịch vụ viễn thông có giá cước thấp hơn giá thành, trừ những trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế để đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua cử tri phản ánh nhiều lần về tình trạng dây cáp viễn thông, truyền hình cáp, internet bố trí trên các tuyến đường mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ này thiếu trách nhiệm, không thu hồi dây cáp không còn sử dụng, việc thi công không đảm bảo mỹ quan đô thị. Vì thế, đại biểu đề nghị cần có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông thu hồi các công trình viễn thông, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông khi không còn sử dụng. Đồng thời có chế tài để quản lý nghiêm những trường hợp doanh nghiệp viễn thông lắp đặt không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không bảo đảm mỹ quan đô thị…

Khắc phục bất cập trong triển khai hoạt động của quỹ

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cần nguồn kinh phí lớn để phát triển, duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng kinh tế có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương. Thông qua cơ chế đóng góp nguồn tài chính từ quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân vùng sâu vùng xa cải thiện.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) phát biểu.

Để khắc phục, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, các chương trình viễn thông công ích cần xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, các quy định về đóng góp, giải ngân. “Nếu thực hiện theo nguyên tắc thu, chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi mà không thu để tránh tồn dư quỹ theo như tờ trình của Chính phủ thì không hợp lý theo quy định của pháp luật", đại biểu nêu ý kiến.

Quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích quy định tại Điều 33, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, để có ý kiến chính xác nhất thì cần đánh giá rõ ràng về hoạt động của quỹ thời gian qua, những ưu điểm và hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó mới có thể điều chỉnh sửa đổi cho hợp lý.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2022, tổng số thu của quỹ đạt gần 8.200 tỷ đồng nhưng chi mới chỉ đạt được hơn 2.700 tỷ đồng, số tiền dư trong quỹ là hơn 5.400 tỷ đồng. Trong số chi, phần chi cho tổ chức bộ máy cũng chiếm khá lớn. Như vậy, có thể thấy hoạt động của quỹ chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong Tờ trình của Chính phủ có nêu, "khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư quỹ".

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận sáng 22-6.

Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, đây chưa phải là giải pháp khả thi, bởi lẽ nguồn thu chính của quỹ là từ phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, nghĩa là doanh nghiệp có doanh thu thì phải nộp quỹ, nếu không thu để tránh tồn dư quỹ thì sẽ tính toán ra sao. Không thu của những doanh nghiệp nào, đến lúc có nhiệm vụ chi thì có truy thu hay không? Hoặc khi có các nguồn viện trợ, tài trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân mà chưa có nhiệm vụ chi thì chúng ta có tiếp nhận các nguồn kinh phí đó vào quỹ hay không?

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) đề nghị cân nhắc sự tồn tại của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, bởi theo đại biểu, hiệu quả hoạt động của quỹ rất hạn chế. “Hơn nữa, qua các báo cáo giám sát về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hoạt động của quỹ này không hiệu quả, tổ chức thực hiện trùng lặp với chi ngân sách nhà nước, do đó, đề nghị cân nhắc không duy trì quỹ này”, đại biểu Nguyễn Đình Việt nêu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây thực tế là quỹ dịch vụ phổ cập. Các quốc gia trên thế giới đều có mục tiêu phổ cập viễn thông, internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Nếu nhà nước phổ cập bằng ngân sách, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư vào những nơi đông dân, có lãi cao. Như vậy, nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Bởi vậy, đa số quốc gia chọn cách yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm phổ cập", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, vận hành của quỹ có bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ. Do đó, thay vì dừng hoạt động, cần điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý sử dụng để quỹ hoạt động tốt hơn. Bởi ngoài việc phủ sóng vùng khó khăn, quỹ dịch vụ phổ cập còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của nhà nước đều dùng quỹ này để hỗ trợ người dân.

Đề xuất Quốc hội xem xét duy trì quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ để đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế nhằm khắc phục tồn tại, khó khăn; đồng thời gửi các đại biểu bổ sung báo cáo về hoạt động của quỹ trong thời gian qua.

 Đình Hiệp - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo chí thế giới: Tăng tốc trong "cuộc đua" chuyển đổi số

Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang buộc phải thay đổi để thích nghi với tốc độ phát triển và hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, báo chí thế giới cũng đang tăng tốc trên “đường đua” chuyển đổi số để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trước sự biến hóa không ngừng của môi trường truyền thông.

''Cuộc chiến'' chống lạm phát tại Anh: Mục tiêu còn xa vời

Dưới tác động của nhiều chính sách tài chính, lạm phát tại Anh đã có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên tốc độ giảm không được như kỳ vọng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ lạm phát hiện tại ở mức 8,7% vẫn còn xa vời so với mục tiêu 2% Chính phủ đặt ra. Điều này buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải cân nhắc tăng lãi suất vào ngày 22-6 tới, từ 4,5% lên 4,75% - mức cao nhất trong 15 năm.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khac-phuc-tinh-trang-sim-rac-sim-nac-danh-khung-bo-khach-hang-623410.html