Cụ thể, báo cáo “Tương lai việc làm” của WEF cho biết đến năm 2027, khoảng 69 triệu việc làm sẽ được tạo ra và 83 triệu việc làm bị hủy bỏ, dẫn tới sự sụt giảm ròng 2% thị trường lao động hiện nay.
Một hội chợ việc làm ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: VCG)
Báo cáo dựa trên số liệu từ khoảng 800 công ty đang tuyển dụng hơn 11 triệu người lao động và sử dụng dữ liệu của 673 triệu việc làm.
WEF cho biết công nghệ và số hóa là hai động lực tạo việc làm mới cũng như hủy bỏ việc làm hiện nay.
Cũng theo báo cáo, việc áp dụng công nghệ tiên tiến và sự gia tăng tốc độ số hóa sẽ làm đảo lộn đáng kể thị trường lao động.
Các vị trí việc làm sẽ giảm nhanh nhất là giao dịch viên ngân hàng, nhân viên thu ngân… những công việc có thể được tự động hóa. Trong khi đó, nhu cầu về các chuyên gia học máy AI và chuyên gia an ninh mạng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi thừa nhận, đối với tất cả mọi người trên thế giới này, ba năm đại dịch đã khiến cuộc sống, sinh kế của họ đầy những biến động. Hiện nay, những thay đổi về địa chính trị, kinh tế cũng như sự tiến bộ nhanh chóng của AI và các công nghệ hiện đại khác, có thể trở thành nguy cơ gây thêm nhiều bất ổn hơn.
“Tin tốt là chúng ta đã vạch ra được hướng đi rõ ràng để đảm bảo khả năng hồi phục. Các chính phủ và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoạt động cho người lao động thông qua đào tạo, tái cấu trúc các quy chế hỗ trợ xã hội để phù hợp với thời cuộc”, ông Saadia Zahidi chia sẻ.
Theo WEF, cứ 10 công nhân thì có 6 người sẽ cần được đào tạo thêm trước năm 2027. Khoảng 45% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, tài trợ của chính phủ về việc đào tạo kỹ năng sẽ giúp kết nối các nhân tài với những vị trí phù hợp.
Báo cáo của WEF chỉ rõ, việc đào tạo người lao động về các kỹ năng AI và thu thập dữ liệu nằm trong top 3 hoạt động được nhiều chính phủ và tập đoàn ưu tiên (42%), chỉ đứng sau các tiêu chuẩn về tư duy phân tích (48%) và tư duy sáng tạo (43%).
Hà Linh - TTTĐ