Không chủ quan với lạm phát

25/02/2024 11:35

Kinhte&Xahoi Năm 2024, áp lực về lạm phát được cho là không lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, không vì thế mà chủ quan trong việc kiểm soát giá cả và cần thận trọng khi năm nay sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Người tiêu dùng chọn mua hoa quả tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2024 tăng 0,31% so với tháng 12-2023. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 1-2024 tăng 2,72%. Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, mức tăng trên không cao. Dự báo, CPI tháng 2-2024, tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cũng chỉ tăng khoảng 0,4% bởi sức tiêu dùng kém và giá cả hàng hóa không biến động bất thường.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, yếu tố gây áp lực lên kiểm soát CPI sau Tết là giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết. Trong khi đó, một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá là nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thời gian qua giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ ra một số yếu tố chính làm gia tăng lạm phát trong năm nay, đó là giá các mặt hàng năng lượng, nhiên liệu biến động khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tạo nên các cú sốc. Năm 2024, một số dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh giá theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí, từ đó tác động làm tăng CPI. Đặc biệt, giá điện có thể tiếp tục tăng khi nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao. Bên cạnh đó, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ giữa năm 2024 sẽ kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên... Trong khi đó, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát. Năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa VND và USD giảm, do đó áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam cũng giảm...

Người dân mua xăng tại một cửa hàng trên đường Yên Phụ (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. CPI bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4-4,5%. Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam, đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp; sớm xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, giáo dục); sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách vào thời điểm phù hợp...

Còn chuyên gia Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” sau khi việc tăng lương được thực hiện. Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có sự theo dõi chặt chẽ về biến động trên cả thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, tránh các tình huống đột xuất có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ và lạm phát.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết, các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều hành chính sách theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu kịch bản điều hành phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Giải pháp khác là chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả...

Năm 2024, giới phân tích cho rằng, việc kiểm soát lạm phát không gặp áp lực quá lớn song vẫn cần cẩn trọng với nhiều yếu tố khó dự đoán. Tại Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo, chỉ số lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,5% trong năm 2024.

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1-2024, Ngân hàng HSBC nhận định, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4-4,5%.

Hương Thủy - Hà Nội mới

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bầu cử Tổng thống Nga 2024: Bước vào giai đoạn nước rút

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga đang bước vào giai đoạn nước rút và chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, ngày bỏ phiếu chính thức sẽ diễn ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga tổ chức bầu cử tổng thống trong 3 ngày (từ ngày 15 đến ngày 17-3). Với chỉ số tín nhiệm cao, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận và được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên còn lại.

Nhóm G7 nhất trí duy trì hỗ trợ Ukraine

Ngày 18-2, trong khuôn khổ cuộc họp bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức), Ngoại trưởng từ Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt đồng thuận trong việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khong-chu-quan-voi-lam-phat-659118.html