Không có lợi ích nhóm trong Dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống

16/11/2019 09:34

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thành phố lựa chọn những đơn vị có năng lực triển khai dự án nước sạch để đảm bảo chất lượng nước cho thành phố. Hiện nay, cùng với hai nhà máy nước sông Đà và sông Đuống còn có Nhà máy nước Hà Nam cung cấp nước sạch cho khu vực Phú Xuyên, Thường Tín; Nhà máy nước An Bình từ Thái Nguyên cung cấp nước sạch cho khu vực Sóc Sơn,…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống

Chiều 15/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại biểu HĐND thành phố (Tổ đại biểu số 2) đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trịnh Thị Nhung (phường Hàng Đào) bày tỏ băn khoăn trước việc các tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Cử tri kiến nghị, TP sớm chỉ đạo để đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đẩy nhanh tiến độ công trình đường bộ trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để góp phần hạn chế ách tắc giao thông và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư.

Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt của người dân, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu ý kiến về công tác quản lý đối với nguồn cung cấp nước sinh hoạt nói chung. Sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải vừa qua khiến người dân băn khoăn về trách nhiệm quản lý khi xảy ra sự cố. Cử tri kiến nghị thành phố có giải pháp quyết liệt đảm bảo nước sạch và tăng cường quản lý đối với Nhà nước nước sạch sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống,…

Cử tri Trần Ngọc Toán cũng nêu ý kiến về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố mà Hà Nội đang triển khai. Theo cử tri, cán bộ tổ dân phố hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu nên khi sáp nhập thì một người phải phụ trách nhiệm vụ lớn hơn, bất cập về sức khỏe, thời gian, công việc gia đình,… Do đó, cử tri kiến nghị mỗi tổ dân phố nên giữ nguyên cơ cấu có bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận, tổ trưởng và tổ phó dân phố. 

Đại diện cử tri cũng đề nghị TP quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, cắt giảm việc sử dụng than tổ ong, điều chỉnh quy hoạch của thành phố, không cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng trong nội đô, giãn dân phố cổ...

Trân trọng, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao đổi một số vấn đề mà cử tri quan tâm.

Liên quan đến việc chậm tiến độ các dự án đường sắt trên cao, nhất là tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngay sáng nay (15/11), Hà Nội đã có buổi làm việc với các bên liên quan.

Dự án này Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đến nay, đã 5 lần chậm tiến độ.

Lần gần đây nhất là vào tháng 10/2019, khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp khảo sát đã giao trách nhiệm cho TP Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải rà soát các nội dung thực hiện dự án này để sớm đưa vào chạy thử nghiệm tiến tới vận hành thương mại chính thức.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, qua rà soát, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn một số vướng mắc nên chưa thể vận hành chính thức.

Cụ thể, để vận hành thương mại, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải tiến hành nghiệm thu, đánh giá về độ an toàn khi hệ thống đưa vào vận hành chứ không phải an toàn của một bộ phận. Chưa có kiểm định này thì không thể vận hành chính thức được. Để thực hiện kiểm định này, cần có chứng minh về nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị tuy nhiên, phía đối tác đang chậm; phía nhà thầu đã hứa sẽ cung cấp sớm, đủ.

Sau khi dự án được nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục liên quan, dự án sẽ chính thức được đưa vào vận hành.

Về sự cố nước sạch nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an tỉnh Hòa Bình cho thấy, không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch sông Đà.

Sự cố nước sạch nhiễm dầu thải là sự việc đáng tiếc. Qua sự việc này, Hà Nội cũng rút kinh nghiệm để phối hợp tốt hơn giữa đơn vị liên quan của TP Hà Nội với tỉnh Hòa Bình trong việc giám sát nhà máy nước sạch sông Đà.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch sông Đà lắp hệ thống cảm biến để sớm phát hiện những vấn đề xảy ra với nguồn nước. Công ty này đã cam kết 3 tháng nữa sẽ lắp xong. Song song với đó, hàng ngày, hàng tuần các cơ quan chức năng (Sở Y tế, nhà máy) vẫn lấy mẫu nước xét nghiệm theo đúng quy trình.

Đề cập đến việc đầu tư, xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để xây dựng nhà máy này, không có lợi ích nhóm ở đây.

Thông tin thêm về việc này, Chủ tịch UBND TP cho biết, vừa qua, một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống.

Chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. “Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Về việc sáp nhập tổ dân phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, khó khăn là nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ không đảm bảo với số lượng đông, ngoài ra cán bộ tổ dân phố hầu hết đều là cán bộ hưu trí nên thực tế sẽ gặp khó khăn. Vì vậy kiến nghị của cử tri về giữ 4 vị trí cán bộ tổ dân phố như hiện nay là xác đáng và việc này sẽ được tiếp thu để báo cáo Thường trực Thành ủy, trên cơ sở tạo mọi thuận lợi nhất cho cán bộ cơ sở...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Về “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông

“Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án và đang được Trung Quốc sử dụng để mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô https://tuoitrethudo.com.vn/khong-co-loi-ich-nhom-trong-du-an-nha-may-nuoc-sach-song-duong-d2075507.html