Không có từ "tồi tệ" trong cuộc sống của cô gái bóng rổ cụt chân

22/07/2020 15:04

Kinhte&Xahoi Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang có một cuộc sống tồi tệ, thì hãy đến với câu chuyện của cô gái có tên Qian Hongyan, đến từ Trung Quốc. Cuộc đời của cô là biểu tượng cho lòng kiên trì, vượt lên khiếm khuyết cơ thể để thành công.

Tai nạn bất ngờ

Không phải ai sinh ra trên đời đều may mắn có được một thân thế lành lặn, một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Luôn có khó khăn, trở ngại. Nhưng tuyệt vời làm sao nếu chúng ta biết vượt qua nó và trở nên mạnh mẽ hơn. 

Qian Hongyan, năm nay 24 tuổi, đến từ huyện Lục Dương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã trở thành hiện tượng chỉ sau một đêm khi bức ảnh cô bé di chuyển nhờ vào sự trợ giúp của một quả bóng rổ được gắn vào bên dưới cơ thể được lan truyền. Không những thế, nghị lực sống suốt nhiều năm qua của cô bé cũng khiến nhiều người vô cùng cảm phục.

Qian Hongyan sinh ra trong một gia đình nghèo, quanh năm làm nghề nông và sản xuất tơ lụa, chỉ kiếm được số tiền ít ỏi để đủ ăn. Năm Qian Hongyan được 4 tuổi, bi kịch đã ập đến. Theo đó, trong một lần băng qua đường, cô bé đã bị một chiếc xe tải tông vào. Tai nạn nghiêm trọng tới mức Qian Hongyan phải cắt cụt nửa thân dưới thì mới giữ được tính mạng, bao gồm phần từ xương chậu trở xuống.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, Qian Hongyan từng chia sẻ, “Lúc tỉnh dậy cháu thấy chân mình rất lạnh. Cháu bảo mẹ xỏ giày cho cháu nhưng mẹ không nói gì, chỉ thấy 2 hàng nước mắt chảy xuống”. Bố mẹ của Hongyan đã đau đớn tới mức chết đi sống lại trước tai nạn đau đớn của con gái mình. 

Hoàn cảnh gia đình Qian Hongyan rất khó khăn. Số tiền kiếm được từ công việc sản xuất tơ lụa chỉ đủ để họ trang trải cuộc sống, không đủ để mua chân giả cho con gái. Lúc này, ông nội của Qian Hongyan nảy ra một ý tưởng, đó là cắt một quả bóng rổ lắp vào người cháu gái, để giúp cô bé di chuyển thuận lợi hơn bằng 2 cánh tay.

 Quả bóng rổ đã được dùng để thay thế đôi chân của Qian Hongyan

Từ đó, cô bé học cách đi lại trên quả bóng rổ cùng với sự trợ giúp của 2 miếng gỗ ở hai tay. Quả bóng giúp Qian Hongyan giữ thăng bằng, có thể tự di chuyển được và có điểm tựa khi cần nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà Qian Hongyan được mọi người đặt cho biệt danh là “cô gái bóng rổ”. 

5 năm sau khi cắt chân, cô bé đáng thương đã phải dùng tới 8 quả bóng rổ thay chân giả. Ngoài ra, cô còn sử dụng linh hoạt đôi tay cũng như những vật dụng khác để có thể sinh hoạt như một người bình thường. Cũng có đôi lúc Qian Hongyan từng rất mặc cảm khi thấy các bạn đồng trang lứa chạy nhảy tung tăng mỗi giờ tan học, được tự do làm những việc mà mình thích, trong khi cuộc đời quá bất công lại khiến cô bé chỉ có thể ngồi âu sầu một chỗ.

Nhưng sau đó Qian Hongyan gạt đi tất cả những suy nghĩ tiêu cực, vẫn lạc quan và vui vẻ, thậm chí còn nhiều lần nói đùa rằng vì không có chân nên sẽ không mệt mỏi mỗi khi xỏ giày và buộc dây giày.

Hoàn cảnh không ngăn được ý chí vươn lên 

Năm 2005, cô bé trở thành hiện tượng mạng khi bức ảnh em di chuyển trên đôi tay bằng gỗ cùng quả bóng rổ được gắn vào phần thân dưới, khiến nhiều người không khỏi xót thương và thán phục. 

Sự nổi tiếng bất ngờ này cũng là bước chuyển lớn trong cuộc đời Hongyan khi nhiều người cảm phục lòng dũng cảm của em và sẵn lòng giúp đỡ. Năm 2007, em nhận được đôi chân giả miễn phí đầu tiên từ Trung tâm Nghiên cứu Phục hồi Chức năng Bắc Kinh.

Những bước đi đầu tiên trên đôi chân giả cũng là những bước khởi đầu trong hành trình vươn lên số phận của cô bé cụt nửa người. Và cũng nhờ số tiền hiến tặng từ các nhà hảo tâm, em hoàn thành chương trình tiểu học. Tuy nhiên, với hoàn cảnh khốn khó của gia đình, nữ sinh chấp nhận sự thật mình không có khả năng tiếp tục đến trường. 

Nhưng không đi học không có nghĩa là cuộc đời của Hongyan dừng lại tại chỗ, cô bé tìm cho mình một hướng đi riêng cho bản thân. Hongyan quyết định học bơi và gia nhập câu lạc bộ bơi lội cho người khuyết tật ở địa phương. Thời gian đầu, việc bị cắt cụt nửa thân dưới đã khiến việc học bơi của Hongyan gặp rất nhiều khó khăn. Cô bé gặp khó khăn vì không thể nổi hay di chuyển trong nước.

“Dường như không có cách nào để cháu thở được trong nước. Lúc nào cháu cũng bị ngạt”, Hongyan chia sẻ trên tờ China Daily. Thế nhưng cô bé vẫn đặt trọn trái tim và nhiệt huyết của mình vào môn thể thao này. Qian Hongyan vô cùng chăm chỉ luyện tập, mỗi ngày đều tập bơi 10.000m trong vòng 4 giờ đồng hồ. Để trở thành một vận động viên, Hongyan phải cố gắng hơn người khác gấp nhiều lần.

Những trở ngại đó không khiến “cô gái bóng rổ” nhụt chí. Năm 2008, Hongyan được chọn vào đội tuyển bơi tỉnh Vân Nam. Năm 2009, Qian Hongyan một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của báo giới khi giành một huy chương vàng và hai huy chương bạc tại giải thi đấu bơi lội quốc gia dành cho người khuyết tật. Năm 2010, Hongyan tiếp tục giành 3 Huy chương Bạc tại Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật) của Trung Quốc.

Qian Hongyan giành một huy chương vàng và hai huy chương bạc tại giải thi đấu bơi lội quốc gia dành cho người khuyết tật

Tuy nhiên vào năm 2011, ngay trước khi vòng loại Paralympic diễn ra, ông của Hongyan đã qua đời, khiến cô phải chịu một cú đả kích lớn. Trong cuộc thi năm đó, Hongyan chỉ giành được 1 huy chương đồng và nó không đủ để giúp cô đi tiếp. Chán nản và không chịu được sự kỳ vọng lớn của dư luận, Hongyan quyết định trở về quê nhà. Hongyan chia sẻ rằng khát vọng và sự nổi tiếng đến quá sớm đã từng khiến cô bị áp lực, nhưng giờ đây cô sẽ biến nó thành động lực để vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Thời gian này Qian Hongyan chia sẻ, cô gặp quá nhiều áp lực và muốn nghỉ ngơi một thời gian. Sau một thời gian, Hongyan quyết định quay trở lại tập luyện và nghị lực của cô đã xứng đáng khi tháng 9/2014, Qian Hongyan bất ngờ trở lại sau khi chiến thắng trong trận chung kết 100m bơi ếch tại giải Paralympics của tỉnh Vân Nam.

Lúc này, câu chuyện của Hongyan càng được biết đến rộng rãi. Cô không chỉ phá được kỷ lục của bản thân mà còn trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng của rất nhiều người khuyết tật khác tại Trung Quốc và trên thế giới. Và từ đó, người ta lại bắt đầu kể lại câu chuyện cổ tích của Qian Hongyan, một câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường.  

Tại Thế vận hội Paralympic Thiên Tân năm 2019, Hongyan đã kết thúc hành trình của mình với 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Ước mơ và mục tiêu hiện tại của cô là tham dự Thế vận hội Paralympic Tokyo được tổ chức vào tháng 8-9/2020.

Tại Trung Quốc, “cô gái bóng rổ” là biểu tượng cho lòng kiên trì, dũng cảm vượt lên khiếm khuyết cơ thể để thành công. Li Ke-qiang, huấn luyện viên của Hongyan, từng có lời khen ngợi học trò mình rằng, “Trước đây, nhiều người khinh thường người khuyết tật, mặc định họ chỉ biết ngửa tay xin tiền thiên hạ. Nhưng nhìn vào cuộc đời của Qian Hongyan và những vận động viên khác, xã hội dần hiểu ra rằng những số phận thiệt thòi vẫn nỗ lực để thành công mỗi ngày”, ông Li chia sẻ.

Hoài Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trung Quốc báo động lũ lụt ở mức cao nhất

Giới chức địa phương ở miền trung Trung Quốc đã ban bố báo động lũ lụt ở mức cao nhất sau khi mức nước một con sông lớn lên tới gần 29,7m, cao hơn mức nguy hiểm 2,2m.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/khong-co-tu-toi-te-trong-cuoc-song-cua-co-gai-bong-ro-cut-chan-d130012.html