Không giao dự án mới cho nhà thầu, chủ đầu tư chậm tiến độ

28/06/2023 17:03

Kinhte&Xahoi Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại buổi họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân với các ban quản lý dự án và sở giao thông vận tải các địa phương diễn ra hôm nay (28-6).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi họp trực tuyến ngày 28-6.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao hơn 95.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao năm 2023 là hơn 94.100 tỷ đồng, vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là hơn 1.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6-2023, Bộ Giao thông Vận tải ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 cao gấp 2 lần giá trị và cao hơn 7%.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được giao số vốn lớn nhất trong lịch sử (hơn 95.000 tỷ đồng) và có thể được giao thêm trong thời gian tới. Do đó, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất; phải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc tiến độ từng tuần, từng tháng, thực hiện cho được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ.

Các nhà thầu phải huy động nhân lực, phương tiện thi công "3 ca, 4 kíp".

Đối với các dự án khánh thành trong năm 2023 như: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ..., các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu triển khai “3 ca, 4 kíp”, khắc phục khó khăn, tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ, không chủ quan, không để “nước đến chân mới nhảy”.

Bộ trưởng cũng cảnh báo, tình trạng chậm tiến độ vẫn còn ở một số dự án sử dụng vốn đầu tư công và ODA. Các nhà thầu chậm tiến độ sẽ không được tham gia dự án mới của Bộ Giao thông Vận tải, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư.

 Tuấn Lương - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo chí thế giới: Tăng tốc trong "cuộc đua" chuyển đổi số

Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang buộc phải thay đổi để thích nghi với tốc độ phát triển và hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, báo chí thế giới cũng đang tăng tốc trên “đường đua” chuyển đổi số để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trước sự biến hóa không ngừng của môi trường truyền thông.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khong-giao-du-an-moi-cho-nha-thau-chu-dau-tu-cham-tien-do-633569.html