Không khan hiếm hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp

16/06/2021 10:21

Kinhte&Xahoi Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung, hoạt động thương mại tại các địa phương vẫn đang diễn ra bình thường. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi… vẫn mở cửa hoạt động với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Ảnh minh họa.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại cuối tháng Tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Mặc dù dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới xảy ra tại nhiều địa phương nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, nhờ sự chủ động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cung ứng nên chưa xảy ra tình trạng khan hiếm, người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ như giai đoạn trước đây. Trên thị trường, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 324,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 22,2%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%.

Bước sang tháng Năm với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.670,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phương tiện đi lại tăng 11,3%; lương thực, thực phẩm tăng 9%; may mặc tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (Năm 2016 tăng 1,59%; năm 2017 tăng 4,47%; năm 2018 tăng 3,01%; năm 2019 tăng 2,74%; năm 2020 tăng 4,39%; năm 2021 tăng 1,29%); lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

Trong đó, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước… đều có mức giá tương đối ổn định, không có sự đột biến bất thường nào. Cụ thể, so với tháng trước, giá gạo giảm 0,19% (gạo tẻ thường giảm 0,2%; gạo tẻ ngon giảm 0,14%; gạo nếp giảm 0,28%), giá gạo trong nước giảm do nguồn cung dồi dào tại các tỉnh phía Nam, bên cạnh đó giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ tiếp tục giảm cũng làm cho giá gạo trong nước giảm theo.

Giá thịt lợn giảm 1,61% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, nguồn cung thịt lợn đảm bảo (tổng số lợn của cả nước tháng Năm tăng 11,8% so với cùng thời điểm năm trước); giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm (giá thịt quay, giò, chả giảm 0,58%; mỡ động vật giảm 3,45%); giá thịt gia cầm giảm 0,1% do đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định (tính đến thời điểm cuối tháng 5/2021, đàn gia cầm của cả nước ước tính tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước). Ở chiều ngược lại, giá thủy sản tươi sống tăng 0,07%; giá thủy hải sản chế biến tăng 0,03%; giá thịt gà tăng 0,09%; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 2,62%.

Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và 12/5/2021, trong đó bình quân giá xăng E5 tăng 440 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 370 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 450 đồng/lít làm giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%; giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng trong thời tiết nắng nóng.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung, hoạt động thương mại tại các địa phương vẫn đang diễn ra bình thường. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi… vẫn mở cửa hoạt động với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ và dịch vụ trên từng địa bàn đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân.

Tại các tỉnh có dịch bệnh diễn ra phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Hà Nam, Thái Bình…tình hình hàng hóa trên thị trường cũng cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đặc biệt, ở Bắc Giang, dù thông tin tiêu cực về diễn biến lây lan trong một khu công nghiệp lớn trên địa bàn huyện Việt Yên đã được phát đi, song ở các siêu thị, trung tâm thương mại không hề xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng không có tình trạng người dân đi mua gom, mua dồn hàng hóa dự phòng. Các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn luôn có đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

 Phạm Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

G7 lên kế hoạch đối phó đại dịch trong tương lai

Nhóm 7 nhà lãnh đạo của các nước gồm Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đã họp mặt trực tiếp tại Cornwall, Tây Nam nước Anh từ ngày 11 - 13/6, để thảo luận về nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá các nền kinh tế và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe thành một ưu tiên trên toàn thế giới. Các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và Nam Phi cũng tham dự với tư cách khách mời.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/khong-khan-hiem-hang-hoa-trong-boi-canh-dich-covid-19-van-dang-dien-bien-phuc-tap-d158347.html