Không khí đón Tết tràn ngập nhiều quốc gia châu Á

12/02/2024 06:46

Kinhte&Xahoi Không khí chào đón Tết con Rồng tràn ngập nhiều quốc gia châu Á qua những buổi gặp mặt đoàn viên, lễ hội và đi chùa để cầu xin phước lành.

Trung Quốc

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất hằng năm ở Trung Quốc, là thời gian để đoàn tụ với người thân, bạn bè và thưởng thức những bữa tiệc vui vẻ. Nhiều người coi Rồng là cung hoàng đạo tốt lành nhất. Bởi vậy, năm con Rồng cũng là năm sinh con phổ biến của người Trung Quốc với mong muốn con mình sẽ sở hữu những phẩm chất vượt trội mà rồng tượng trưng, bao gồm sức mạnh, quyền lực và thành công.

Nhiều người dân hào hứng chụp ảnh với những chú rồng để lấy may trong năm mới.

Tại Hong Kong, nhiều người dân mặc trang phục màu đỏ, màu may mắn trong văn hóa Trung Quốc, để đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. Trong các cuộc tụ họp, họ thưởng thức bánh gạo và bánh củ cải, còn trẻ em thì nhận được những phong bao lì xì đựng tiền mặt như lời chúc phúc từ những người thân của mình. Các cuộc triển lãm ngoài trời và trưng bày hoa được chuẩn bị cho lễ hội đã tạo cơ hội cho những người vui chơi tạo dáng chụp ảnh.

Nhiều người mặc trang phục truyền thống đi lễ chùa tại Bắc Kinh cầu cho một năm mới bình an, thuận lợi.

Ở Bắc Kinh, nhiều người đi chùa để cầu một năm mới tốt lành và xem các chương trình biểu diễn dân gian truyền thống.

Lễ hội đón năm mới cũng được tổ chức trong các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Malaysia

Tại thủ đô Kuala Lumpur, những khu phố người Hoa được trang hoàng rực rỡ với tông màu vàng và đỏ. Những đồ trang trí theo chủ đề rồng, bao gồm cả màn trình diễn tại Tháp đôi Petronas, đã thu hút lượng lớn du khách.

Tan Hui Yun, một người Malaysia gốc Trung Quốc cho biết: "Tôi và gia đình đã có bữa ăn đoàn tụ mà không phải lo lắng nhiều như vài năm qua. Công việc kinh doanh khởi sắc và tôi không cảm thấy áp lực quá nhiều".

Cộng đồng người Hoa tại Kuala Lumpur (Malaysia) bắn pháo hoa chào năm mới.
Một người gốc Hoa đốt những nén nhang khổng lồ để đón năm mới tại một ngôi chùa ở Medan, Bắc Sumatra (Indonesia).

Philippines

Tại trung tâm quận Binondo, Manila (Philippines), khu phố có cộng đồng người Hoa lâu đời nhất thế giới thu hút không ít khách du lịch tới tham quan.

Đèn lồng thắp sáng rực khu phố người Hoa ở thủ đô Manila (Philippines).

Theo thống kê được Bản tin Malina công bố ngày 11-2, khoảng 10.000 người đã đổ về cầu Jones tại quận Binondo để xem màn bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, trong khi khoảng 7.000 người tham dự buổi hòa nhạc tại Lucky Chinatown Mall.

Pháo hoa được bắn tại cầu Jones để chào đón năm Giáp Thìn.

Phó Thị trưởng Manila John Marvin Yul servo-Nieto cho biết, ngoài việc chào đón Tết Nguyên đán, thành phố cũng đang tổ chức lễ kỷ niệm 430 năm khu phố Trung Hoa tại Manila.

“Màn trình diễn pháo hoa và âm nhạc này, ngoài việc chào đón năm con Rồng, cũng sẽ thể hiện sự đóng góp to lớn của khu phố Trung Hoa cho thành phố”.

Lễ hội múa rồng được rất nhiều du khách yêu thích.

Mông Cổ

Tại Mông Cổ, Tết Nguyên đán còn gọi là lễ hội Trăng trắng (Tsagaan Sar), tượng trưng cho sự bắt đầu của mùa xuân và sự kết thúc của mùa đông. Trong lời chúc Tết đến toàn thể người dân, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh nhấn mạnh: “Trăng trắng là biểu tượng của lịch sử và văn hóa đất nước, sự đoàn kết của nhân dân và là một trong những di sản giá trị của người Mông Cổ.

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh trong một buổi lễ mừng năm mới bên chiếc bánh tầng truyền thống.

Trong 3 ngày đầu năm mới, người Mông Cổ thường mặc đồ trắng, cưỡi bạch mã, ăn các thực phẩm làm từ sữa và tặng nhau những món quà màu trắng. Bởi từ lâu các bộ lạc sống trên thảo nguyên này đã xem màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự may mắn.

Các gia đình, nhất là gia đình có các bậc cao tuổi sẽ tổ chức bữa tiệc lớn tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ trong năm mới. Mâm cỗ trong dịp Tsagaan Sar rất thịnh soạn, đòi hỏi các gia đình phải chuẩn bị trước nhiều ngày. Mỗi vùng Mông Cổ lại có các món ăn khác nhau dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh làm bằng bột rồi nướng lên gọi là Ul hay kheviin boov, được xếp chồng lên nhau từ 3,5 hoặc 7 tầng tùy theo gia đình nhưng luôn là số lẻ tượng trưng cho núi Sumeru. Ngoài ra, còn có các món đuôi cừu, thịt cừu, thịt ngựa, cơm với sữa đông và một loại bánh bao nhân thịt hấp gọi là buuz.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán thường được gọi là "Seollal", trong đó "seol'' có nghĩa là bắt đầu một năm mới và "Seollal'' có nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới.

Vào những ngày này, người Hàn Quốc thường về nhà thăm gia đình, thực hiện nghi lễ chào hỏi với người lớn tuổi, mặc trang phục truyền thống và thưởng thức những món ăn được chuẩn bị vào đầu năm được gọi là "seichan''. Trong đó, một trong những món tiêu biểu nhất tại Hàn Quốc vào ngày Tết là "tteokguk" sẽ không bao giờ vắng mặt trên bàn tiệc.

Đón năm mới, nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc đã chia sẻ thông điệp về tình yêu và hy vọng tới khán giả trong dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Các nghệ sĩ như Seventeen, NewJeans, Ateez, Mamamoo, Kim Jaehwan, EXO-CBX, Purple Kiss... đã mặc trang phục truyền thống hanbok và gửi lời chúc mừng năm mới đến khán giả.

Nhóm DKB mặc hanbok chúc mừng Tết cổ truyền.

 Quỳnh Dương - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khong-khi-don-tet-tran-ngap-nhieu-quoc-gia-chau-a-658186.html