Không lạm dụng phẩm màu thực phẩm không rõ nguồn gốc

25/10/2021 14:21

Kinhte&Xahoi Phẩm màu không rõ nguồn gốc được bán tràn lan tại nhiều chợ đang là nỗi lo của người tiêu dùng. Đặc biệt, việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm gây nguy cơ ngộ độc cấp tính và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Nhập viện vì phẩm màu không nguồn gốc

Do đó, để phòng ngừa ngộ độc và các bệnh từ phẩm màu không bảo đảm tiêu chuẩn, người dân nên ưu tiên sử dụng các chất tạo màu tự nhiên có nguồn gốc thực vật hoặc chọn mua các sản phẩm có nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Sau khi ăn sốt vang thịt bò, bệnh nhân T.Đ.M (31 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng hai người khác có biểu hiện mệt, sốt, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, thiếu máu, da vàng, mắt vàng… Trong đó, bệnh nhân M. bị nặng nhất và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Qua khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân ăn sốt vang được nấu từ thịt bò có cho bột hoa hiên mua tại chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ). Cùng ăn có hai người nữa cũng xuất hiện biểu hiện tương tự, nhưng nhẹ hơn. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân M. bị tổn thương gan, biểu hiện nặng nhất là thiếu máu cấp với số lượng hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm nặng. Chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc phẩm màu thực phẩm công nghiệp, nên các bác sĩ đã yêu cầu gia đình mang gói bột sốt vang đến kiểm tra.

Sau đó, mẫu bột màu nấu sốt vang được gửi tới Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm, phát hiện có Acid Orange 7 với hàm lượng 20%. Hóa chất Acid Orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp, chất nhuộm tóc và phụ gia thực phẩm ở một số nước. Với liều cao, trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin; trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người.

Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng Orange 7 tối đa cho phép là 300mg/kg (0,03%). Điều đáng lo lắng là ở Việt Nam, chất này khá dễ dàng mua được trên thị trường. Nó được dùng để nhuộm màu thức ăn cho đẹp, như sốt vang, thịt quay...

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng cấp cứu bệnh nhi D.G.H (8 tuổi, ở Hà Nội) bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng do ăn thịt bò khô tự làm, có sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc. Bệnh nhi H. nhập viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, được biết đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị tan máu do nhiễm độc.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), vì mục đích thương mại, nên trên thị trường xuất hiện nhiều chất bị cấm không được phép sử dụng hoặc có trong danh mục sử dụng nhưng lại có hàm lượng vượt mức cho phép, lẫn tạp chất… Đa phần, các chất phụ gia nói chung hay phẩm màu nói riêng không gây biểu hiện ngộ độc cấp tính rõ ràng, do đó, việc đánh giá hậu quả lâu dài rất khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích lũy chất độc lâu ngày, dẫn đến ung thư...

Thực phẩm càng sặc sỡ, ảnh hưởng càng nghiêm trọng

Theo Bộ Y tế, danh mục quy định chất màu được phép sử dụng trong thực phẩm có 21 chất (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp). Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép với hàm lượng đúng quy định.

Điều lo lắng hiện nay là hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để cho ra đời các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc bắt mắt.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt. Nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ, thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.

Để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có chất nhuộm màu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng các chất tạo màu tự nhiên có nguồn gốc thực vật, như: Cà chua, nghệ, gấc… Nếu sử dụng phụ gia tạo màu thực phẩm, người dân nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ và kiểm chứng được. Ngoài ra, nên mua sản phẩm ở những cơ sở, cửa hàng có đăng ký kinh doanh, có mã hàng, có hóa đơn...

“Một nguyên tắc trước khi đưa thức ăn hay đồ uống nào vào cơ thể, chúng ta nên đặt câu hỏi đó là cái gì. Các hóa chất phụ gia thực phẩm để bảo đảm an toàn thường phải được kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu mua bán, sử dụng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

 Xuân Lộc - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các ông lớn công nghệ sẽ phải trả phí cho báo chí

Mới đây, ông lớn công nghệ Facebook thông báo đã đạt một thỏa thuận với một số hãng truyền thông Pháp về việc chi trả nhuận bút cho các nội dung tin tức được người dùng trang mạng xã hội này chia sẻ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1015502/khong-lam-dung-pham-mau-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc