Kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1: Khó thực hiện

15/12/2021 09:18

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT vừa ban hàng công văn “Hướng dẫn tổ chức daỵ học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19”. Theo đó, học sinh lớp 1,2 sẽ phải làm bài kiểm tra trực tiếp thay vì nhận xét, đánh giá như mọi khi.

Sẽ kiểm tra trực tiếp với khối 1, 2

Theo công văn số 5766/BGDĐT-GDTT về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19”. Một trong những nội dung quan trọng là hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học sinh cuối học kỳ I phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19.

Học sinh lớp 1, lớp 2 làm bài kiểm tra định bằng hình thức trực tiếp

Đối với hoạt động đánh giá định kỳ, các trường chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học/hoạt động giáo dục tương ứng; Đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).

Các nhà trường có thể tổ chức đánh giá định kỳ linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.

Đối với lớp 1, 2, tổ chức bài kiểm tra định bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.

Theo Bộ GD&ĐT, thi trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng giáo dục và đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện...

Đối với các lớp 3, 4, 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch COVID-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Các nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Riêng lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.

Không khó cho nhà trường, khó với học sinh và phụ huynh

Đối với học sinh lớp 1,2, bố mẹ đang là thầy cô thứ 2

Văn bản trước đây của Bộ và của Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn về công tác đánh giá cuối kỳ của các khối 3,4,5 phải có bài thi thì các trường cho đều thi trực tuyến. Riêng khối 1, 2, văn bản trước đây đều không hướng dẫn thi, nên các trường thực hiện đánh giá giữa kỳ. Nhiều thầy cô cho rằng, thi trực tiếp sẽ khó, vì học sinh không được đến trường, nhất là các con lớp 1.

Đa số các hiệu trưởng khi được hỏi đều bày tỏ quan điểm, năm nay là năm thứ 3 triển khai trực tuyến, vì thế chất lượng học trực tuyến đến đâu là cả một quá trình lâu dài chứ không phải chỉ qua 1 bài kiểm tra trực tiếp như thế này. Hiện tại, học sinh lớp 1,2, bố mẹ đang là thầy cô thứ 2.

Hầu hết ở các trường, những khối lớp này đều đang học vào buổi tối, khi bố mẹ đi làm về. Vì không có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, thì trẻ con không học được, bởi các con phải làm quen máy tính, phải đảm bảo an toàn khi học… Còn kết qủa của học trực tuyến như thế nào, cho đến nay chưa có thước đo chuẩn để đánh giá.

Nhiều thầy cô hiệu trưởng cũng bày tỏ băn khoăn, Hà Nội đang bùng phát dịch, khó để tổ chức đi học trực tiếp, trong khi nếu không đến trường làm quen và ổn định nề nếp, việc thi trực tiếp cho học sinh lớp 1, 2 sẽ gặp khó khăn.

Một tiết học trực tuyến của học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình)

Cô Phùng Tố Nga, hiệu trưởng trường Tiểu học Vạn Phúc, Ba Đình cho rằng, phụ thuộc vào tình hình dịch, nếu các ca F0 tiếp tục tăng cao thì việc kiểm tra trực tiếp là khó khăn. Bên cạnh đó, về kiến thức, thầy cô cũng phải rà soát lại chữ viết, kiến thức vì học trực tuyến giáo viên không thể cầm tay uốn từng nét chữ được, trong khi kiểm tra lại phải chuẩn chỉnh chữ viết... Kiểm tra trực tiếp lúc cô trò chưa làm quen nhau, chưa dạy, rèn con… sẽ khó.

Cô Nga cũng cho rằng, thực tế, trong giai đoạn học online có thể linh hoạt được, cô giáo thường xuyên dạy hàng ngày sẽ đánh giá các con, không nhất thiết phải làm một bài kiểm tra trực tiếp nặng nề trong bối cảnh như thế này. Đây lại là 1 bài kiểm tra kỳ I chứ không phải là cả 1 năm. “Về mặt tổ chức, nhà trường cũng không gặp khó khăn gì, chúng tôi đủ điều kiện, cơ sở để tiến hành kiểm tra”, cô Nga khẳng định.

Thầy Lê Văn Kiệt, hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Trí, Sóc Sơn cũng cho rằng: “Ở góc độ quản lý, tôi chỉ lo tình hình dịch bệnh như thế nào thôi, trước khi kiểm tra, nếu ổn về dịch bệnh, học sinh phải có ít nhất 1, 2 tuần để đến trường làm quen, ổn định nề nếp, tổ chức, sau đó cho thi là hợp lý nhất. Vì học sinh lớp 1 chưa được đến trường, chưa được gặp thầy cô… nếu tổ chức thi ngay sẽ bị lộn xộn. Còn về mặt tổ chức, nhà trường sẵn sàng đủ điều kiện, cơ sở vật chất để tiến hành nếu được yêu cầu”.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô gái bay vòng quanh thế giới ở tuổi 19

Nữ phi công tuổi teen Zara Rutherford đã hạ cánh xuống Seoul cuối tuần vừa qua. Đây là chặng dừng chân đầu tiên ở Châu Á của cô trong nỗ lực trở thành người phụ nữ trẻ nhất bay vòng quanh thế giới một mình.

Omicron sẽ "châm ngòi" cho khủng hoảng vaccine mới?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại rằng các quốc gia giàu có "hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron" có thể đẩy mạnh việc tích trữ vaccine COVID-19 và "châm ngòi" cho sự căng thẳng nguồn cung một lần nữa, gây phức tạp thêm cho nỗ lực dập dịch toàn cầu.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kiem-tra-truc-tiep-voi-hoc-sinh-lop-1-kho-thuc-hien-185535.html