Kiến nghị loạt cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo

03/01/2022 10:44

Kinhte&Xahoi Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiến nghị một số cơ chế, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo nhằm hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Việt Nam rất có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo điện gió

Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị một số cơ chế, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo nhằm hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch Điện VIII.

Theo đó, qua nghiên cứu, cũng như tổng hợp ý kiến đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư, VAFIE cho rằng, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của cả nước rất lớn, cần được đầu tư khai thác để thay thế dần năng lượng hóa thạch.

Đối với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377GW, trong đó điện gió trên bờ 217GW, điện gió ngoài khơi 160 GW. Điện mặt trời có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434GW, trong đó đã đưa vào vận hành khoảng 16,6GW. Nhược điểm của nguồn năng lượng này là phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không ổn định; Điện mặt trời chỉ có thể hoạt động 4-5 giờ/ngày.

Để phát triển nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao năng lượng tái tạo cần coi trọng tích trữ điện năng khi thừa công suất. Công ty GreenYellow (Pháp) mong muốn các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chấp thuận và hỗ trợ để tiến hành hai dự án pin dự trữ năng lượng (BESS) bằng vốn đầu tư của họ.

Theo VAFIE, Chính phủ cần khuyến khích nghiên cứu, xây dựng hệ thống tích trữ năng lượng (Energy Storage System- ESS) và có chính sách ưu đãi cao đối với đầu tư tích trữ năng lượng như trợ giá cho dự án đầu tư ESS, ưu đãi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời có kèm lưu trữ điện năng.

Nếu có cơ chế, chính sách như vậy thì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện quốc gia có thể cao hơn mức 45% vào năm 2045 tại dự thảo Quy hoạch điện VIII. Một số nước như như Đan Mạch, Ireland, Đức… năng lượng tái tạo chiếm trên 50% tổng công suất phát điện.

Về vấn đề truyền tải điện, theo VAFIE, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền đầu tư và vận hành truyền tải điện.

Từ khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư đã xảy ra cơn sốt điện gió, điện mặt trời đến mức vượt quá rất nhiều năng lực truyền tải điện của EVN, làm cho nhiều dự án năng lượng tái tạo phải giảm công suất phát điện, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và lãng phí tài sản xã hội. Hiện tại, nhiều dự án năng lượng tái tạo công suất lớn lần lượt đưa vào vận hành, làm cho tình trạng thừa công suất trở nên nan giải hơn.

Được biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện. Các nhà đầu tư mong đợi chủ trương đúng đắn đó sớm được luật hóa thành cơ chế, chính sách nhất quán, minh bạch để thu hút có hiệu quả đầu tư của tư nhân vào hệ thống truyển tải điện mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Một số chuyên gia kinh tế lưu ý thêm các vấn đề liên quan đến mạng lưới truyền tải điện như quan hệ giữa nhà đầu tư tư nhân với EVN đối với sử dụng lưới điện, dự án đấu nối của các nhà đầu tư tư nhân khác vào lưới điện do nhà đầu tư tư nhân đang khai thác… để tránh xảy ra xung đột lợi ích, tác động tiêu cực đến quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Về giá mua và bán điện, do đại dịch COVID-19, hiện có khoảng 4.000MW điện gió với tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD lỡ hẹn với giá FIT (ngày 31/10/2021), làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế của dự án.

Các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ coi trạng thái đó là thảm họa đối với dự án năng lượng tái tạo, do đó gia hạn giá FIT thêm một thời gian tương ứng với thời gian giãn cách xã hội, điều chỉnh giảm giá FIT khoảng 15 - 20% so với giá FIT đã ban hành, ban hành cơ chế giá điện mới sau thời hạn giá FIT.

Đặc biệt, VAFIE kiến nghị cần khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế về giá điện phù hợp với luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế, được ổn định 5 năm, sau đó được điều chỉnh nếu các điều kiện tác động đến giá điện thay đổi; Giá mua điện cần được quy định dựa trên lợi thế của từng vùng để phân bổ đầu tư hợp lý, không gây quá tải cục bộ.

Việc kéo dài khoảng trống về luật pháp, chính sách từ giá FIT mà đến nay chưa có cơ chế mới về giá điện sẽ tạo ách tắc đối với hoạt động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của nước ta.

Mặt khác, một số chuyên gia băn khoăn về cơ chế đấu thầu trong Quy hoạch điện VIII khi các quy định về đấu thầu chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật công nghệ. Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần được cụ thể hóa về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất năng lượng và giá mua điện. Đây là bài toán phức tạp chưa có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang hướng thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Do đó, VAFIE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để ban hành sớm cơ chế đấu thầu, trong đó không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, mà còn cả an ninh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, lựa chọn một số dự án năng lượng tái tạo đối với đầu tư nước ngoài tại những địa phương không gây tổn hại cho an ninh và quốc phòng.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những sự kiện thời tiết cực đoan năm 2021

Trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành năm thứ hai, một số quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với làn sóng các hiện tượng thời tiết cực đoan như các trận động đất lớn ở Haiti đến những cơn bão khắp Châu Âu và Châu Á.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kien-nghi-loat-co-che-chinh-sach-phat-trien-nang-luong-tai-tao-187149.html